Gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số được đối chiếu sinh trắc học
Tính đến hết ngày 16/5/2025, đã có hơn 116 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua Căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc ứng dụng VneID (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số). Đối với khách hàng tổ chức, đã đối chiếu thông tin sinh trắc học hơn 759 nghìn hồ sơ (đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số).
Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo nêu rõ: Với sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án 06(1) đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng góp phần đưa Việt Nam tăng 15 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử, được Liên Hợp Quốc và các nước đánh giá rất cao.
Thời gian qua, các tiện ích của Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả quản lý, là tiền đề để xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Bước đầu cải cách tổ chức bộ máy, những hoạt động trên nền tảng công nghệ, chuyển đổi số có những dữ liệu cơ bản. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngành Ngân hàng tích cực triển khai Đề án 06 - thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Tại Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Công an kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNeID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam.
Đây là nhiệm vụ mà Chính phủ giao, ngành Ngân hàng là ngành đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định và rất kỳ vọng là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ góp phần chuyển đổi số của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh an toàn cũng rất quan trọng. Cốt lõi đảm bảo thành công của chuyển đổi số là nhiều người dân sử dụng.
Về phía ngành Ngân hàng, tổ công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 được thành lập theo Quyết định số 170/QĐ-NHNN ngày 18/2/2022 của Thống đốc NHNN (được thay đổi, bổ sung thành viên tại Quyết định số 1412/QĐ-NHNN ngày 28/7/2023) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Mới đây, ngày 6/1/2025, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 67/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của NHNN Việt Nam triển khai tiện ích cốt lõi phát triển ngành Ngân hàng, bảo đảm kết nối với Đề án 06 năm 2025 (Quyết định 67), trong đó nêu quan điểm: Năm 2025, chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành Ngân hàng; Ứng dụng CSDLQGvDC, định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, góp phần chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; Kế thừa tiến độ, kết quả các nhiệm vụ cốt lõi tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa Bộ Công an và NHNN.
Tại Quyết định 67, ngành Ngân hàng cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Kết nối, khai thác CSDLQGvDC trong quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền; Khai thác CSDLQGvDC để làm sạch thông tin khách hàng vay tín dụng; Xác thực trực tuyến thông tin tín dụng với CSDLQGvDC; Ứng dụng thẻ căn cước công dân, căn cước gắn chip điện tử; ứng dụng VneID; Ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGvDC trong đánh giá khách hàng vay của tổ chức tín dụng (TCTD).
Trước đó, ngày 2/3/2023, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 264/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch năm 2023 của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Tiếp đó, ngày 24/4/2023, NHNN đã phối hợp Bộ Công an ký kết Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Kế hoạch 01). Năm 2024, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 182/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch năm 2024 của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06.
Phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho đời sống của người dân
Thời gian qua, sự phối hợp, đồng hành của NHNN với Bộ Công an trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, qua đó phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho đời sống của người dân.
Về công tác chỉ đạo, hoàn thiện thể chế và khai thác dữ liệu: NHNN đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thúc đẩy toàn ngành triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD gắn chip và tài khoản VNeID trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, NHNN đã điều chỉnh các quy định pháp lý, cho phép sử dụng giấy tờ điện tử trên VNeID tương đương với giấy tờ giấy truyền thống.
Trong công tác khai thác dữ liệu, NHNN đã kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến (cấp chứng thư số) với CSDLQGvDC. Đồng thời, NHNN đã khai thác CSDLQGvDC phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, đối chiếu offline dữ liệu của hơn 24 triệu khách hàng. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cũng đã phối hợp với Cục C06 – Bộ Công an rà soát, đối chiếu offline khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng vay.
Về kết nối CSDLQGvDC với các nghiệp vụ của NHNN: NHNN đã triển khai hệ thống kết nối, khai thác CSDLQGvDC cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến (cấp chứng thư số) tháng 12/2022. Đến ngày 12/6/2025, hệ thống đã kết nối, khai thác dữ liệu dân cư phục vụ xử lý hơn 1.423 lượt hồ sơ. Hiện Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Cục Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội – Bộ Công an (C06) đã thống nhất được cấu trúc API, hai bên đang tiến hành lập trình và kiểm thử. Đến nay, Cục Phòng, Chống rửa tiền (PCRT) đã phối hợp với C06 hoàn thành việc đối soát, làm sạch thông tin khách hàng trong cơ sở dữ liệu PCRT…
Về kết nối CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ngành Ngân hàng: Nhiều TCTD, TGTT đang phối hợp với C06 triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, cụ thể: Tính đến hết ngày 16/5/2025, đã có hơn 116 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VneID (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số). Đối với khách hàng tổ chức, đã đối chiếu thông tin sinh trắc học hơn 759 nghìn hồ sơ (đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số). 56 TCTD và 39 tổ chức TGTT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắp chip qua ứng dụng điện thoại. 60 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy. 32 TCTD và 15 TGTT đang triển khai ứng dụng VNeID trong đó có 19 đơn vị đã triển khai chính thức (trong đó có 15 TCTD và 4 TGTT).
Về làm sạch dữ liệu qua C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an ): có 29 TCTD đã ký kết với C06 để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, trong đó 27 TCTD đã gửi dữ liệu cho C06 để làm sạch (với số lượng hơn 17,6 triệu hồ sơ khách hàng (CIF) đã gửi C06 và nhận được phản hồi là hơn 17,5 triệu hồ sơ khách hàng); 11 TGTT đã ký kết với C06 để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, trong đó 04 TGTT đã gửi dữ liệu cho C06 để làm sạch (với số lượng hơn 29 nghìn hồ sơ khách hàng đã gửi và nhận được phản hồi).
Hiện 16 đơn vị đã thử nghiệm luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội; 1 TCTD đã khai thác triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay của C06 với hơn 10.000 hồ sơ khách hàng; 9 TCTD đang nghiên cứu để tích hợp kỹ thuật triển khai kết nối khai thác dịch vụ chấm điểm tín dụng của C06.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác triển khai Kế hoạch 01, ngành Ngân hàng vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức như việc gia tăng các rủi ro an toàn, an ninh mạng, rủi ro gian lận, giả mạo với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp…
Thực tế, việc đầu tư phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQGvDC; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Còn nhiều thôn lõm sóng, lõm điện. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế, bất cập.
Yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, với mục đích đưa lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tất cả vì nhân dân phục vụ. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ Công an tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đơn vị của NHNN, của các ngân hàng thương mại (NHTM) để đề xuất những định hướng, giải pháp thiết thực để ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06, qua đó góp phần hạn chế, ngăn ngừa tội phạm và hỗ trợ triển khai các sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành, góp phần chuyển đổi số quốc gia.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh làm sạch, xác thực kết nối dữ liệu chuyên ngành với CSDLQGvDC, giảm thiểu tài khoản rác, ví điện tử rác; chỉ đạo các NHTM, TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức TGTT kết nối, cung cấp dữ liệu với cơ quan thuế, tiếp tục nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế, nhất là với hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đồng bộ với chiến lược xây dựng ứng dụng triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Về phía các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính hướng đến người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, giới trẻ... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng số.
Chú thích:
[1] Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.