A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cây cầu lớn nối tỉnh Phú Thọ mới với Hà Nội

Sau khi hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Phú Thọ mới có 4 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng và sông Đà nối với thủ đô Hà Nội.

Cầu Đồng Quang

Cầu Đồng Quang được khởi công vào ngày 28.11.2014 và khánh thành ngày 20.12.2015. Cây cầu này bắc qua sông Đà nối xã Tu Vũ, tỉnh Phú Thọ (trước khi sáp nhập là xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) với xã Bất Đạt, thành phố Hà Nội (trước khi sáp nhập là xã Minh Quang, huyện Ba Vì).

Cầu Đồng Quang kết nối tỉnh lộ 317 phía tỉnh Phú Thọ (tả ngạn) với tỉnh lộ 414 của thành phố Hà Nội (hữu ngạn). Tên cầu được ghép từ hai địa danh ở hai đầu cầu là xã Đồng Luận (cũ) và xã Minh Quang (cũ).

Cầu Đồng Quang thời điểm sông Đà vào mùa cạn. Ảnh: Hải Giang.
Cầu Đồng Quang thời điểm sông Đà vào mùa cạn. Ảnh: Hải Giang.

Cầu có chiều dài phần cầu 746 m, mặt cầu hai làn xe rộng 10 m; đường dẫn hai đầu cầu dài 1.674 m theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (phía đầu cầu Hà Nội) và tiêu chuẩn cấp III miền núi (phía đầu cầu Phú Thọ).

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 510 tỉ đồng. Gần 10 năm qua, cầu Đồng Quang đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối tỉnh Phú Thọ với Hà Nội và giao thông trong vùng.

Cầu Đồng Quang nơi núi Tản, sông Đà. Ảnh: Tô Công.
Cầu Đồng Quang nơi núi Tản, sông Đà. Ảnh: Tô Công.

Đặc biệt, cây cầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác, thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện Thanh Thủy trước đây cũng như các khu vực lân cận, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội các địa phương.

Cầu Trung Hà

Cách cầu Đồng Quang khoảng 19 km về phía hạ lưu sông Đà là cầu Trung Hà, đây là một cây cầu lớn nằm trên Quốc lộ 32, bắc qua sông Đà nối xã Tam Nông (trước khi sáp nhập là xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) với xã Vật Lại, thành phố Hà Nội (trước khi sáp nhập là xã Thái Hòa, huyện Ba Vì).

Cầu Trung Hà trên Quốc lộ 32. Ảnh: Tô Công.
Cầu Trung Hà trên Quốc lộ 32. Ảnh: Tô Công.

Cầu Trung Hà được khởi công vào ngày 10.11.1999 và được khánh thành vào ngày 20.4.2002. Cầu dài 743,6 m, gồm 14 nhịp, rộng 11 m, kết cấu cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; khổ thông thuyền rộng 90 m, cao 7 m.

Năm 2024, do cầu xuất hiện tình trạng xuống cấp, đặc biệt là phần trụ cầu T11, T12 phía bờ tỉnh Phú Thọ, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ (nay là Sở Xây dựng) đã đầu tư sửa chữa, gia cố.

Năm 2024, cầu Trung Hà nhiều lần cấm phương tiện, giới hạn tải trong do sửa chữa. Ảnh: Tô Công.
Năm 2024, cầu Trung Hà nhiều lần cấm phương tiện, giới hạn tải trong do sửa chữa. Ảnh: Tô Công.

Trong nhiều tháng, cầu Trung Hà liên tục phải cấm phương tiện qua lại hoặc giới hạn tải trọng. Đến cuối tháng 11.2024, sau khi việc sửa chữa hoàn tất, các phương tiện giao thông mới có thể di chuyển bình thường qua cầu.

Cầu Văn Lang

Cầu Văn Lang là cây cầu bắc qua sông Hồng, nối phường Thanh Miếu, tỉnh Phú Thọ (trước khi sáp nhập là phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì) với xã Cổ Đô, thành phố Hà Nội (trước khi sáp nhập là xã Phú Cường, huyện Ba Vì).

Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.

Cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng nối Phú Thọ với Hà Nội. Ảnh: Tô Công.
Cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng nối Phú Thọ với Hà Nội. Ảnh: Tô Công.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỉ đồng, được khởi công xây dựng vào ngày 1.8.2016 và thông xe vào ngày 10.10.2018.

Kể từ khi được thông xe, cầu Văn Lang đã giúp rút ngắn khoảng cách từ trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ đến Hà Nội. Không chỉ vậy, nhiều tháng qua, kể từ khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, cùng với cầu Ngọc Tháp, cầu Văn Lang là cây cầu quan trọng đảm bảo giao thông thông suốt.

Cầu Vĩnh Thịnh

Cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, được xây dựng bắc qua sông Hồng nối xã Vĩnh Tường, tỉnh Phú Thọ (trước khi sáp nhập thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) với phường Sơn Tây, thành phố Hà Nội (trước khi sáp nhập là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).

Cầu Vĩnh Thịnh giữ kỷ lục là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam. Ảnh: Hải Giang.
Cầu Vĩnh Thịnh giữ kỷ lục là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam. Ảnh: Hải Giang.

Cầu này được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực, với chiều dài tổng thể là 5.487 m, trong đó cầu dài 4.480 m và đường hai đầu cầu dài 1.007 m. Cầu có quy mô 4 làn xe, rộng 16,5 m, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Công trình có tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tháng 6.2014, cầu Vĩnh Thịnh chính thức thông xe.

Cầu Vĩnh Thịnh đã hơn 10 năm phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế các địa phương. Ảnh: Hải Giang.
Cầu Vĩnh Thịnh đã hơn 10 năm phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế các địa phương. Ảnh: Hải Giang.

Hơn 10 năm qua, công trình quan trọng này đã rút ngắn khoảng cách hàng chục km từ khu vực phía Tây Hà Nội kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các đô thị, tỉnh lỵ lân cận Thủ đô Hà Nội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật