A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu ứng lan tỏa trong chuyển đổi số ngân hàng

Để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đã triển khai nhiều giải pháp mang lại kết quả tốt, tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều ngành, nghề khác.

 

hieu ung lan toa trong chuyen doi so ngan hang
Tạo hiệu ứng lan tỏa trong chuyển đổi số Ngân hàng

 Nỗ lực giữ “ngọn cờ đầu”

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số hướng đến người dân, doanh nghiệp; chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng người dân, doanh nghiệp phải là trung tâm của quá trình này, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; chuyển đổi số phải hiệu quả, sản phẩm cần phân biệt, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi.

Để triển khai thống nhất, xuyên suốt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN là Trưởng ban chỉ đạo; phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của NHNN năm 2022; Ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022; công bố “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của Ngành và triển khai chuỗi sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng”...

Là đơn vị trực tiếp thực hiện quá trình chuyển đổi số, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, công việc chuyển đổi số là cốt lõi trong chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn.

Thực hiện chủ trương của NHNN, ngân hàng đã ban hành Nghị quyết từ năm 2019 đưa ra những định hướng lớn về mặt dài dạn. Sau khi có Quyết định 810 của NHNN vào tháng 5/2021, Ban lãnh đạo Vietcombank đã ban hành chương trình hành động chuyển đổi số với 2 cấp độ bao gồm hành động chuyển đổi số với 7 nhóm, 15 chỉ tiêu và kế hoạch chuyển đổi số với 304 hành động cụ thể, bao quát tất cả trụ cột từ số hóa dữ liệu, công nghệ; thành lập Trung tâm dữ liệu và phân tích; tuyển dụng nhân sự là các chuyên gia trong nước và quốc tế có năng lực thích ứng với chuyển đổi số...

Cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, từ 2016-2020 ngân hàng đã đầu tư lên tới 300 triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025), ngân hàng sẽ tiếp tục dành 500 triệu USD để triển khai mạnh mẽ với các trụ cột "số hóa – dữ liệu – nhân tài". Ở thời điểm hiện tại, 15% nguồn nhân lực của ngân hàng đang phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu và cần tăng tỷ lệ này lên 20-25% để hiện thực hóa các mục tiêu trong tương lai

Với sự chủ động và quyết liệt trong chuyển đổi số, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vững giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực triển khai vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.  

Hỗ trợ các ngành, nghề chuyển đổi số

Thực tế tinh thần chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã được lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng. Đơn cử, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành Ngân hàng đang từng ngày, từng giờ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn dịch vụ thuế và kho bạc điện tử, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của hai ngành này.

Đối với ngành Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ, đơn vị đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ thuế điện tử bao gồm khai nộp thuế, hoàn thuế và các chương trình hóa đơn điện tử…

Cơ quan thuế đã xây dựng và ban hành quy trình, ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị trong dịch vụ, xây dựng hệ thống, kết nối với các ngân hàng thương mại xây dựng dịch vụ nộp thuế; triển khai dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; phối hợp với ngân hàng và các đơn vị khác triển khai kết nối trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai tại 19 tỉnh, triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng dịch vụ công quốc gia… 

Trong khi đó, đại diện Kho bạc Nhà nước chia sẻ, mục tiêu quan trọng của Kho bạc Nhà nước là hướng tới kho bạc không tiền mặt. Đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng và phát triển hạ tầng thanh toán nên hiện hơn 99% giá trị giao dịch thu và chi đều không dùng tiền mặt, giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần mang đến cho Kho bạc Nhà nước một diện mạo mới, từ Kho bạc Nhà nước truyền thống trở thành Kho bạc Nhà nước điện tử với 3 không (không khách hàng, không chứng từ giấy và không có bạc).

Không chỉ vậy, quá trình chuyển đổi số ngân hàng giúp người dân ngày càng tin tưởng lựa chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đó các hoạt động như mua, bán đặt hàng, giới thiệu hàng và giao hàng của doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ được thực hiện nhiều hơn trên nền tảng số. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý mà còn giúp hạn chế rủi ro, dễ dàng quản lý tốt dòng tiền và góp phần gia tăng doanh số.

Tuy nhiên, để lan tỏa tinh thần số hóa thêm mạnh mẽ, ngành Ngân hàng cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa. Một chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần xây dựng chiến lược tuyển dụng nhân sự không chỉ đến từ số lượng tuyển mới, mà còn ở cách giữ chân và phát triển nhân tài của mình.

Theo đó, ngân hàng cần tăng quỹ lương và chế độ phúc lợi đối với những nhân sự có đóng góp trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số vừa cổ vũ tinh thần cho nhân viên hiện có vừa thu hút được nhân tài chuyển đổi số khác tham gia; tăng đầu tư vào hoạt động đào tạo cho nhân viên về công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…

Đặc biệt, các ngân hàng cần quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng trong quá trình số hóa. TS. Nguyễn Thị Thái Hưng, Học viện Ngân hàng cho biết, khách hàng luôn có xu hướng chuyển sang một ngân hàng khác cung cấp sự nhất quán và giao dịch suôn sẻ trên tất cả các sản phẩm kỹ thuật số.

Vì vậy, ngân hàng cần tạo và phát triển một hệ sinh thái sản phẩm thống nhất, thân thiện với người dùng, đảm bảo một dòng chảy kết nối thông suốt mang lại trải nghiệm thú vị cho khách hàng; xây dựng đội ngũ chuyên trách về trải nghiệm khách hàng trên không gian số; xây dựng văn hóa kinh doanh dựa trên trải nghiệm khách hàng, chiến lược khách hàng là trung tâm; hợp tác và tích hợp giải pháp công nghệ với công ty Fintech vào dịch vụ của ngân hàng...

Hương Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan