A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Hiến pháp: Bước tiến quan trọng giúp đất nước phát triển bền vững

Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ góp phần củng cố nền tảng pháp lý thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Người dân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp.

Nền tảng cho sự phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Vũ Văn Ngọc, Viện trưởng Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách quan trọng liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp 2013 để thể chế hóa thành pháp luật các chủ trương, chính sách của Đảng là cần thiết nhằm đưa những quyết sách vào thực tiễn.

Sửa đổi Hiến pháp 2013, nền tảng cho sự phát triển
Người dân có thể gửi góp ý về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID từ nay đến hết ngày 29/5. Ảnh minh họa

Ông Ngọc nhấn mạnh, một nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013). Bản thuyết minh về dự thảo đã chỉ rõ việc tổ chức đơn vị hành chính theo 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính.

Việc dự thảo Nghị quyết (Điều 110, khoản 1) quy định các đơn vị hành chính của đất nước gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đúng đắn. theo đó, vừa chính thức xóa bỏ mô hình đơn vị hành chính 3 cấp đồng thời tạo điều kiện để chúng ta tổ chức đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đa dạng hơn, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Khi mô hình tổ chức hành chính được sắp xếp hợp lý, các đơn vị hành chính có thể phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế riêng của mình.

"Hiến pháp cũng là cơ sở pháp lý cao nhất và quan trọng nhất cần được sửa đổi để làm căn cứ sửa đổi các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014…", ông Ngọc nhấn mạnh và kỳ vọng, lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển, tuân thủ đúng quy trình, quy định đồng thời làm nền tảng pháp lý quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

Cùng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một sự kiện pháp lý và chính trị trọng đại, nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phân tích kỹ hơn, Luật sư Bình cho hay, tại Điều 111, khoản 2 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ “Cấp” trước cụm từ “Chính quyền địa phương…” được bỏ là hợp lý. Thực tế, việc sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” tại các đơn vị hành chính nơi cùng tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có thể gây nhầm lẫn với khái niệm “chính quyền địa phương” nói chung, vốn bao gồm cả các địa phương hiện đang áp dụng mô hình chính quyền đô thị không có Hội đồng nhân dân.

"Việc chỉnh sửa này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây hiểu nhầm hoặc cách hiểu khác nhau về cơ cấu chính quyền tại địa phương; đồng thời rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống chính trị sau quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ngoài ra, các Điều 112, khoản 2 của Hiến Pháp được sửa đổi bổ sung quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của Uỷ ban nhân dân, khi bổ sung thêm cụm từ “của chính quyền địa phương từng cấp”, nghĩa là phân cấp rõ ràng và chịu trách nhiệm trực tiếp ở địa phương và đồng thời khẳng định lại vị trí vai trò của Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu sự quản lý thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương", luật sư Bình nói.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này với những điều chỉnh về tổ chức đơn vị hành chính sẽ góp phần giảm chồng chéo, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm trong công tác quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, đây cũng là bước tiến quan trọng giúp đất nước phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và xây dựng chính quyền phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Thông tin trên tờ Lao Động, số lượng người dân tham gia góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID ngày một tăng. Tính đến 13h00 ngày 24/5/2025, đã có khoảng 14 triệu người dân tham gia góp ý.

Dự kiến trong thời gian tới, số lượng này sẽ tăng lên. Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các bước góp ý trên ứng dụng VNeID, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi.

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật