Kiến nghị hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con
Ngày 8.10, tại TPHCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con - đề xuất, kiến nghị”.
Lo lắng khi gửi con về quê, nhờ người trông giùm
Chị Phùng Diễm Tuyền, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Daehan Motors (KCN Cơ khí ôtô, huyện Củ Chi) cho biết, nhiều CNLĐ rất khó gửi con trong tuổi mầm non vào các trường mầm non công lập nên phải gửi về quê cho ông bà chăm lo hoặc gửi bên ngoài.
Bản thân chị Tuyền, vì không thể gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non, nên gửi con 4 tuổi cho người hàng xóm trông giùm và con chị thường xuyên được người này cho xem điện thoại di động để ngồi yên... “Khi đi khám, bác sĩ nói do cháu thiếu tiếp xúc với trẻ em cùng lứa, không được giáo dục phù hợp và do bị xem điện thoại đi động nhiều, nên ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ”, chị Tuyền buồn bã nói.
Bà Trần Ngọc Phượng, Chủ tịch CĐ Công ty Việt Nam Paiho (KCN Tân Tạo) cho biết, đa số công nhân là người ngoại tỉnh, nhiều người phải gửi con về quê nên các cháu thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Một số cha, mẹ còn có tư tưởng phó mặc trách nhiệm chăm sóc con cho ông, bà và giáo dục trẻ em cho nhà trường, không kiểm tra kết quả học tập của con trẻ, dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn đã xảy xa.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Cơ khí - Thương mại Đại Dũng cho rằng, đã có một thời gian nhiều CNLĐ di chuyển đến các tỉnh, thành phố lớn để có việc làm, phải gửi con cho ông bà chăm sóc. Nhiều ông bà vì chiều cháu, không có biện pháp giáo dục đúng cách, nên dẫn đến các cháu hư, thậm chí vướng tệ nạn xã hội.
Cần có chính sách giáo dục đặc thù
Bà Lê Thị Lệ Huyền - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX và KCN TPHCM - cho biết, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng ước khoảng 15% nhu cầu giữ trẻ là con CNLĐ, 85% còn lại phải dựa vào mầm non tư thục; học phí ở các trường mầm non tư thục đảm bảo chất lượng cao gấp 5 - 9 lần so với trường công lập.
CNLĐ tại các KCX, KCN thường xuyên phải làm việc đến 19 giờ, làm ca vào cuối tuần, nhưng, các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 từ thứ Hai đến thứ Sáu, không nhận giữ trẻ vào dịp cuối tuần, dịp nghỉ hè.
Bà Huyền đề xuất cần rà soát lại quy hoạch phát triển KCX, KCN bổ sung hạng mục công trình thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống CNLĐ, cần quy hoạch xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo trong các KCX, KCN. Cần có chính sách về giáo dục đối với đặc thù trong KCX, KCN; xây dựng các quy định về phân bổ khung thời gian tổ chức giữ trẻ phù hợp với nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ tại các KCX, KCN, có thể thí điểm tổ chức hoạt động cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con CNLĐ làm việc tại KCX, KCN phù hợp với điều kiện thực tế...
Bà Ngô Thị Thủy - Phó Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM - cho biết, các cấp CĐ TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ CNLĐ để chăm sóc, giáo dục con cái, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho con đoàn viên, CNLĐ thông qua mô hình “Học bổng Nguyễn Đức Cảnh”, “Trại hè Thanh Đa”, “Phòng vắt trữ sữa”, “Bếp ấm cơm ngon”, “Xe đạp cùng con đến trường”… CĐ cũng thương lượng, đối thoại, đưa vào thỏa ước lao động tập thể nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ và con CNLĐ.
Bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, theo khảo sát có đến 30% CNLĐ phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các KCN, KCX trong việc chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2023 - 2028” đánh giá thực trạng việc hỗ trợ CNLĐ trong việc chăm sóc và nuôi dạy con của tổ chức CĐ.
“Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động để chăm lo cho con đoàn viên, CNLĐ. Những ý kiến tại tọa đàm rất thực tế, thiết thực, đồng thời gợi mở nhiều các chương trình, giải pháp phù hợp để Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ sở xây dựng chương trình và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ chăm lo cho con CNLĐ tốt hơn”, bà Phương nói.