A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số hóa ngân hàng bán lẻ sang chương mới

Sự thay đổi nhanh chóng các mô hình kinh doanh và hành vi tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp khiến ngân hàng phải liên tục đổi mới để thích ứng, tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh.

Mô hình ngân hàng mở sẽ bùng nổ

Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ tận dụng lợi thế số diễn ra tuần qua, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam - một nhà cung cấp các giải pháp công nghệ cho biết, những năm gần đây, với sự ra đời của các nền tảng kinh doanh số (như Uber, Airbnb, Nexflix, Facebook, Google…) giới kinh doanh đã xuất hiện những “ông trùm” không thực sự sở hữu hạ tầng và tài sản hữu hình. Chẳng hạn, Uber có thể xem là hãng taxi lớn nhất thế giới nhưng họ không sở hữu bất cứ chiếc xe nào; hay Nexflix là rạp chiếu phim nổi tiếng toàn cầu nhưng không sở hữu rạp nào ở các quốc gia họ kinh doanh. Việc xuất hiện những mô hình kinh doanh mới buộc các ông chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy chiến lược số hóa. Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến đầu tư tái định vị kênh phân phối và xây dựng hệ sinh thái số.

“Ngành tài chính ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong hoạt động số hóa nên tư duy tiếp cận các chiến lược đổi mới mô hình kinh doanh bán lẻ sẽ là xu hướng mà các ông chủ nhà băng hướng đến” – ông Minh nhận định. Còn theo ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của OCB, sau đại dịch Covid-19, xu hướng ngân hàng mở (open banking) đang dần trở thành xu hướng chủ đạo. Việc tăng tốc các mô hình ngân hàng mở tại Việt Nam hiện cũng đang được hàng chục TCTD tham gia, góp phần định hình lại hệ sinh thái dịch vụ tài chính và thay đổi ý tưởng về dịch vụ ngân hàng cũng như phạm vi hoạt động của các nhà băng. Tại OCB, từ cuối 2019 ngân hàng này đã thay đổi toàn diện về mô hình hoạt động của khối bán lẻ truyền thống với việc vận hành Open API. Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ chính như mở tài khoản, vay tiêu dùng, mua bảo hiểm, đầu tư tài chính… đều đã được tích hợp vào OCB Ommi.

so hoa ngan hang ban le sang chuong moi
Hoạt động chuyển đổi mô hình kinh doanh bán lẻ đang phổ biến và lôi cuốn ngày càng nhiều TCTD tham gia

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, mô hình ngân hàng mở với NHTM nằm ở vị trí chủ trì hiện khá phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, các ngân hàng chủ động cung cấp nền tảng công nghệ kết nối với các đối tác và khách hàng trong hệ sinh thái. Riêng tại Việt Nam, hoạt động hợp tác giữa NHTM và fintech, nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ cũng đang phát triển rất mạnh và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hiện mới chỉ cho phép các hệ sinh thái ngân hàng bán lẻ số hóa phục vụ các hoạt động thanh toán, cho vay tiêu dùng cá nhân… chưa được triển khai mảng tín dụng với khách hàng doanh nghiệp.

Kết nối dữ liệu lớn sẽ là chìa khóa

Theo bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong hơn hai năm qua NHNN đã ban hành nhiều chính sách về thanh toán như cho phép các TCTD triển khai xác thực khách hàng điện tử (eKYC) để thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Các NHTM đã tận dụng công nghệ đẩy mạnh phân phối bán lẻ qua các kênh số hóa như huy động tiền gửi online, cho vay tiêu dùng qua phát hành thẻ tín dụng, cho vay thấu chi, thanh toán thẻ, quét mã QR Code…

Lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay, các TCTD đã mở mới hơn 3 triệu tài khoản bằng hình thức eKYC, hơn 100 nghìn điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Thông qua hệ thống thanh toán của NAPAS bình quân mỗi ngày có 10 triệu giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, sự phát triển của các ví điện tử gắn với hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua cũng rất sôi động.

Tuy nhiên, để hệ thống ngân hàng có thể bứt phá trong các hoạt động số hóa ngân hàng bán lẻ, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho rằng cần có sự kết nối eKYC liên thông cơ sở dữ liệu khách hàng được Chính phủ và các bộ ngành cùng chung tay xây dựng và thống nhất các khung pháp lý phù hợp.

Theo ông Ngọc, hiện nay eKYC mới chỉ được áp dụng mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD. Hệ thống ngân hàng vẫn chưa thể kết nối đồng bộ các dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, lĩnh vực cũng chưa hoàn thiện, nên khả năng tiếp cận dữ liệu chung của hệ thống TCTD bị hạn chế.

Đơn cử, như thông tin khách hàng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) hiện nay chưa được kết nối với các cơ sở dữ liệu khác như: dữ liệu thông tin về lịch sử thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, thông tin về nộp thuế... Vì vậy, các TCTD khi cung ứng dịch vụ bán lẻ, trong đó có xét duyệt khoản vay của tổ chức, cá nhân lần đầu tiên vay vốn không có đầy đủ thông tin về năng lực tài chính và hành vi tiêu dùng của khách hàng để đối chiếu, xem xét, dẫn đến việc tiếp cận khoản vay ngân hàng của khách hàng cũng bị hạn chế theo.

Các chuyên gia cho rằng, để lĩnh vực ngân hàng bán lẻ thực sự có thể mở rộng phạm vi và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, các bộ ngành hữu quan cần chung tay xây dựng chính sách để ngân hàng có thể tăng khả năng thực hiện các giao dịch đảm bảo, phê duyệt, thẩm định khoản vay nhanh và an toàn hơn. Việc thiết lập dữ liệu đồng bộ về dân cư, dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, đăng ký sở hữu tài sản, đất đai, thuế… cũng cần được các bộ, ngành hoàn thiện, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận. Từ đó khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn trong việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ bán lẻ và tối ưu hóa dịch vụ tài chính ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, để lĩnh vực ngân hàng bán lẻ thực sự có thể mở rộng phạm vi và đa dang hóa các sản phẩm dịch vụ, các bộ ngành hữu quan cần chung tay xây dựng chính sách để ngân hàng có thể tăng khả năng thực hiện các giao dịch đảm bảo, phê duyệt, thẩm định khoản vay nhanh và an toàn hơn.

Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật