A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WB dự báo giá cả hàng hóa có thể lại tăng trong ngắn hạn

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Đồng thời đánh giá việc giảm thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2022 cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới tăng đột biến, lên đến hơn 100.000 ca mỗi ngày trong nửa cuối tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khiến các chỉ số di chuyển chính giảm.

Dữ liệu hiện có cho thấy, các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù ảnh hưởng của xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đến cung lao động, sản xuất và tiêu dùng có thể chưa được phản ánh đầy đủ.

Cán cân thương mại hàng hóa xấu đi, chuyển từ thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 1 sang thâm hụt 2,0 tỷ USD trong tháng 2 do nhập khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu. So với một năm trước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giảm, trong khi giải ngân vốn FDI tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Mặc dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu. Cân đối ngân sách thặng dư 1,1 tỷ USD trong tháng 2 do kết quả thu ngân sách tốt. Chi ngân sách tăng nhờ cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đóng góp vào tốc độ tăng CPI (% và điểm %, so cùng kỳ năm trước). Nguồn: Báo cáo WB

Theo WB, nhu cầu tín dụng vẫn cao sau Tết Nguyên Đán, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 15,7% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, giảm nhẹ so với 16,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 1. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn ở mức cao. Do đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức 2,56% tại thời điểm cuối tháng 2, so với mức 2,42% cuối tháng 1 và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cuối tháng 12/2021.

Tăng trưởng tín dụng (%, NSA). Nguồn: Báo cáo WB

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, tuy nhiên WB cho rằng rủi ro tiêu cực đã tăng cao do các ca nhiễm OMICRON đang quét qua cả nước và xung đột Nga-Ukraine gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. Giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

WB đánh giá việc tiếp tục triển khai tiêm liều vắc-xin tăng cường và ban hành hướng dẫn y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát làn sóng OMICRON.

Do tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - có thể bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để tăng cường khả năng chống chịu của xuất khẩu.

WB cũng dự báo giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước. Tuy nhiên, WB đánh giá việc giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật