A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến tim

Nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại lợi ích cho tim mạch nếu thực hiện đúng cách, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu lạm dụng hoặc không phù hợp với thể trạng.

Nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến tim

Nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến tim. Đồ hoạ: Thiện Nhân

Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Nhịn ăn gián đoạn là hình thức ăn uống theo chu kỳ, xen kẽ giữa các khoảng thời gian ăn và nhịn ăn. Một số phương pháp phổ biến gồm:

16/8: Nhịn ăn 16 giờ và ăn trong 8 giờ mỗi ngày

5:2: Ăn bình thường 5 ngày và cắt giảm lượng calo đáng kể trong 2 ngày còn lại

OMAD: Chỉ ăn một bữa duy nhất trong ngày

Phương pháp này không chỉ được biết đến vì khả năng giảm cân mà còn nhờ những ảnh hưởng tích cực lên trao đổi chất, đường huyết và hormone.

Lợi ích của nhịn ăn gián đoạn đối với tim mạch

Theo chia sẻ trên Only my health của chuyên gia dinh dưỡng Pooja Singh (ShardaCare, Ấn Độ), nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại một số tác dụng tích cực cho tim nếu được thực hiện đúng:

Giảm cân, giảm gánh nặng cho tim: Béo phì là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch. Việc giảm cân giúp làm giảm huyết áp, cholesterol xấu và cải thiện sức khỏe tim.

Cải thiện độ nhạy insulin: IF giúp cơ thể kiểm soát đường huyết tốt hơn, làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 - một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim.

Giảm viêm: Nhiều nghiên cứu cho thấy IF có thể làm giảm các chỉ dấu viêm – nguyên nhân sâu xa gây xơ vữa động mạch và các vấn đề tim mạch.

Cải thiện mỡ máu: Chuyên gia dinh dưỡng Pooja Singh cho biết, IF có thể giúp giảm triglyceride, LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt), từ đó giúp phòng ngừa bệnh tim.

Những rủi ro tiềm ẩn đối với tim khi nhịn ăn gián đoạn

Mặc dù IF mang lại nhiều lợi ích, nhưng nếu không thực hiện đúng cách, nó có thể gây tác động tiêu cực đến tim, nhất là với những người có bệnh lý nền.

Thay đổi hormone căng thẳng: Nhịn ăn có thể làm tăng hormone cortisol - nếu duy trì lâu dài có thể gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và làm tổn thương tim.

Mất cân bằng điện giải: Việc không bổ sung đủ nước hoặc khoáng chất khi nhịn ăn kéo dài có thể gây rối loạn điện giải, ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp tim.

Thiếu hụt dinh dưỡng: Nếu thời gian ăn quá ngắn và thực đơn không hợp lý, cơ thể có thể thiếu các vitamin, khoáng chất cần thiết cho sức khỏe tim mạch.

Tác động đến thuốc điều trị: Nhịn ăn có thể làm thay đổi cách cơ thể hấp thụ thuốc, đặc biệt là thuốc huyết áp, tiểu đường hoặc tim mạch. Điều này có thể dẫn đến hiệu quả điều trị kém hoặc gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Ai nên cẩn trọng khi áp dụng nhịn ăn gián đoạn?

Chế độ IF không phù hợp hoặc cần được giám sát chặt chẽ đối với những người:

Có tiền sử bệnh tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim…).

Mắc tiểu đường loại 1 hoặc đang dùng insulin.

Bị huyết áp thấp.

Rối loạn ăn uống.

Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

Người lớn tuổi hoặc trẻ vị thành niên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật