A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thấy gì qua kế hoạch 'tham vọng' của một số ngân hàng trong năm 2023?

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của các ngân hàng thương mại cổ phần đã khép lại với nhiều thông tin về chiến lược, định hướng kinh doanh trong năm được công bố. Phần lớn các chỉ tiêu được đưa ra có phần thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao… Tuy vậy, vẫn có không ít ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh khá cao, thậm chí được xem là có phần "tham vọng" trong năm nay.

 Đa dạng dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, nếu tính riêng các hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận của VPBank đặt ra trong năm nay tăng khoảng 53% so với năm 2022. Đồng thời, VPBank cũng đặt các chỉ tiêu như tổng tài sản tăng 39%. Huy động tiền gửi tăng 41% và dư nợ tín dụng tăng 33% trong năm 2023.

Đây được xem là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang có những khó khăn nhất định. Trả lời thắc mắc của cổ đông về điều này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank cho biết, thời điểm này thị trường đang có rất nhiều khó khăn thách thức, tuy vậy VPBank vẫn duy trì mục tiêu đặt ra trên cơ sở các động lực tăng trưởng chính đến từ một số mảng.

Cụ thể, VPBank tiếp tục tăng trưởng phân khúc chiến lược bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Riêng mảng bán lẻ của ngân hàng dự kiến tăng 40% và mảng doanh nghiệp SME tăng 35%.

Thực tế, khối ngân hàng bán lẻ năm 2022 của VPBank cũng đóng góp lên tới 60% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng. Hiện dư nợ mảng bán lẻ của ngân hàng này là hơn 200.000 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm, mảng bán lẻ đã tăng trưởng hơn 40.000 tỷ đồng về huy động. Trong quý I/2023, VPBank đã tăng hơn 12% về huy động, đảm bảo nguồn vốn để tăng trưởng cao.

Mặt khác, theo ông Vinh, phân khúc khách hàng FDI là phân khúc mới và có cơ sở để nâng cao, đẩy mạnh dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn tài chính SMBC (Nhật bản) – cổ đông chiến lược của VPBank. Trọng tâm sản phẩm là dịch vụ và huy động, bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ngoại hối và đã đưa mảng dịch vụ quan trọng là lưu ký chứng khoán để phục vụ cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào hoạt động.

Ngoài ra, một số động lực khác là mảng thanh toán, với việc đẩy mạnh số hóa các nền tảng hỗ trợ thanh toán cũng tạo ra phát triển mạnh mẽ sản phẩm dịch vụ. Hay công ty chứng khoán mới ra đời nhưng đã góp 500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022, VPBank dự kiến sẽ tăng gấn 3 lần trong năm nay.

"Kết thúc quý I/2023, ngân hàng mẹ có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, đạt khoảng gần 20% kế hoạch năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động 11,5%, trong khi thông thường các kết quả lợi nhuận của quý III và IV sẽ cao hơn và như vậy kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ vẫn là khả thi", đại diện VPBank cho biết.

Tận dụng lợi thế tích lũy trong nhiều năm qua về tệp khách hàng, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng mạnh mạnh trong năm nay, tăng 29% lên 13.197 tỷ đồng.

Kế hoạch này được một cổ đông cho là "khá tham vọng" khi các chỉ tiêu kinh doanh đều cao hơn so với các ngân hàng khác, ngay cả khi chưa tính đến phần thu nhập đột biến có thể thu từ việc ký hợp đồng hợp tác độc quyền về phân phối bảo hiểm và bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những chuyển biến không tích cực.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 mà HDBank trình cổ đông có thể coi là khá thách thức trong bối cảnh điều kiện thị trường hiện nay. Tuy nhiên, HDBank vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu này để phấn đấu trong năm nay. 

Theo ông Phạm Quốc Thanh, ngay trong quý I/2023, HDBank đã bứt tốc đạt tăng trưởng tín dụng 10% cao nhất toàn ngành. Ngoài ra, với việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, HDBank có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

Mặt khác, năm 2023 cũng là năm bản lề của chiến lược 5 năm giai đoạn 2021-2025. Hàng loạt dự án thuộc các sáng kiến chiến lược sẽ được bàn giao, đi vào vận hành và được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, giúp ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng mạnh mẽ số lượng khách hàng và nâng cao hiệu quả khai thác. Mặc khác, HDBank cũng kỳ vọng doanh số bancassurance sẽ mang lại nguồn phí cao trong năm 2023.

HDBank cho biết sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu về bán lẻ, tiêu dùng và SME, kiến tạo tài sản bền vững cho mình và cho xã hội làm trọng tâm. HDBank chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp nông thôn, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi.

Ngoài ra, HDBank cũng cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy các gói vay ưu đãi dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gói cho vay công nhân, cho vay các dự án số hóa hoạt động kinh doanh và vận hành…

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng

Sau những lùm xùm kéo dài liên quan đến vấn đề nhân sự thượng tầng, bộ máy điều hành của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dường như đã ổn định hơn kể từ năm 2022. Kết quả kinh doanh của Eximbank theo đó cũng ghi nhận nhiều ấn tượng trong năm qua, khi lãi trước thuế đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng trưởng 208%, đứng đầu hệ thống ngân hàng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm qua.

Bước sang năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trên 30% trong năm nay bất chấp điều kiện khó khăn khách quan.

Trả lời cổ đông tại phiên họp thường niên vừa qua, ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm nay được xây dựng dựa trên việc phân tích nhiều yếu tố, trong đó cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn. Eximbank đã có phương án thực hiện mục tiêu lợi nhuận này. Kết thúc quý I/2023, Eximbank có lợi nhuận ước đạt 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, đang diễn ra theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Theo ông Trần Tấn Lộc, một trong những lý do giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh trong năm 2022 là sự thay đổi trong cấu trúc khách hàng, khi ngân hàng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. Thời gian tới, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh theo cấu trúc này để đạt được những kết quả tốt nhất.

Kế hoạch tái cấu trúc sau giai đoạn sáp nhập cũng đang được Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2023. Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022.

Theo lãnh đạo Sacombank, năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu. Đề án tái cơ cấu của Sacombank được thực hiện từ năm 2016-2025 và giờ đây ngân hàng đã trải qua gần hết lộ trình tái cơ cấu và đã đạt được nhiều kết quả tích cực về lãi dự thu, xử lý nợ xấu...
Trong năm 2023, Sacombank dự kiến trích lập thêm khoảng 4.400 tỷ đồng đảm bảo đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục trái phiếu VAMC.

"Thực tế, năm 2022, lợi nhuận trước trích lập chi phí của Sacombank là 19.940 tỷ đồng, cho thấy năng lực kinh doanh lõi của Sacombank không thua kém các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, khi thu hồi xử lý được các khoản nợ tồn đọng thì Sacombank còn được hoàn nhập dự phòng, nên hiệu quả kinh doanh khả năng sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới", bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết.

Trong một báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, Maybank Investment duy trì quan điểm lạc quan rằng các ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ ROE mạnh mẽ, nhờ ROA tốt và các quy định về vốn hóa hợp lý.

Theo Maybank Investment, các ngân hàng Việt Nam sẽ mang lại tăng trưởng và lợi nhuận cao hơn so với các ngân hàng ngang hàng trong khu vực trong 4 năm tới  nhờ hai yếu tố chính. Đó là bối cảnh vĩ mô vững chắc hơn và mức độ thâm nhập vừa phải của các dịch vụ tài chính cho phép các ngân hàng Việt Nam duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định và thu nhập từ phí mạnh mẽ, tạo cơ sở để cải thiện ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tài sản).

Bên cạnh đó, các quy định hợp lý về mức an toàn vốn (tức là tiêu chuẩn Basel II) cho phép các ngân hàng Việt Nam duy trì tỷ lệ đòn bẩy trên bảng cân đối kế toán hợp lý khoảng 9-10 lần, so với 5-6 lần đối với các ngân hàng trong khu vực. Theo Maybank Investment, hai yếu tố này sẽ cho phép các ngân hàng tạo ra ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cao trên 18% trong giai đoạn 2022-2025./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật