A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền lương tăng, công nhân mong được nâng mức đóng bảo hiểm xã hội

Khi tiền lương tăng, cuộc sống được đảm bảo hơn, nhiều công nhân mong muốn được nâng mức đóng bảo hiểm xã hội để các quyền lợi về sau thiết thực hơn.

Tiền lương tăng, công nhân mong được nâng mức đóng bảo hiểm xã hội

Thu nhập dư giả, công nhân mong muốn tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao hơn. Ảnh minh họa: Mạnh Cường

Anh Nguyễn Văn Tiến (35 tuổi) - công nhân ở tỉnh Nam Định - chia sẻ, mức lương hiện tại của anh là 9,5 triệu đồng cho 9,5 tiếng làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội hiện tại chỉ 416.000 đồng (10,5%).

Anh Tiến cho biết, lương đóng bảo hiểm xã hội của công ty chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng khoảng 10%. Theo nam công nhân, điều này khá thiệt thòi bởi anh đã có 9 năm kinh nghiệm.

“Ở công ty cũ ngoài Hà Nội, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tôi là hơn 4,7 triệu đồng. Khi nghỉ ốm hoặc làm giờ hành chính, dù thu nhập có giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Còn ở quê thì lại khá lo lắng vì lương tối thiểu vùng thấp” - anh Tiến cho hay.

Anh Tiến muốn tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo thu nhập khi ốm đau, về hưu. Ảnh: Mạnh Cường.

Anh Tiến muốn tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo thu nhập khi ốm đau, về hưu. Ảnh: Mạnh Cường

Thu nhập của Tiến và vợ ổn định từ 17 - 19 triệu đồng/tháng. Do chỉ cần đảm bảo sinh hoạt cho gia đình, việc học cho các con và nuôi một người mẹ già nên cuộc sống gia đình theo nam công nhân khá thoải mái, không có nhiều áp lực.

“Sống ở quê nên mọi thứ đều rất rẻ, tiền học cho hai con mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, tiền ăn uống cả nhà 5 triệu đồng/tháng, tiền phụng dưỡng mẹ 2 triệu đồng/tháng, tính cả các khoản phát sinh khác, hai vợ chồng tôi vẫn còn dư ít nhất 6 triệu đồng/tháng” - anh Tiến nói.

Nam công nhân mong muốn lương tháng đóng bảo hiểm xã hội có thể tăng thêm 50% so với hiện tại, tức khoảng 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng anh Tiến sẽ đóng thêm hơn 600.000 đồng tiền bảo hiểm xã hội. Mức đóng này với anh vẫn đảm bảo được cuộc sống, mang lại nhiều lợi hơn là mất.

“Dù mỗi tháng phải đóng thêm 200.000 đồng so với hiện tại nhưng nhỡ có ốm đau, bận việc riêng phải nghỉ hoặc chỉ làm giờ hành chính, thu nhập của tôi cũng trên 6,5 triệu đồng/tháng. Tăng mức đóng bảo hiểm, sau này khi hưởng trợ cấp thất nghiệp hay nhận lương hưu cũng được hưởng mức cao hơn” - anh Tiến cho hay.

Chị Nguyễn Quỳnh Dương (28 tuổi) - công nhân may tại tỉnh Nam Định - cũng mong muốn được nâng mức đóng bảo hiểm xã hội. Lý do được chị Dương chia sẻ là tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, gia đình đã trả xong hết các khoản nợ chỉ còn lo việc học tập cho hai con.

“Tiền điện, tiền nước, sinh hoạt và tiền học cho 2 con, một mình chồng tôi với mức lương 11 triệu đồng vẫn đáp ứng tốt. Lương của tôi gần như chỉ để mua quần áo, cỗ bàn, vẫn còn dư để mua được hơn nửa chỉ vàng tích lũy” - chị Dương cho hay.

Chị Dương cho biết, tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội hiện tại chỉ hơn 4,4 triệu đồng/tháng dù đã vào công ty được 8 năm.

Dự định của chị Dương sắp tới sẽ sinh thêm một con nữa, nếu mức đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm sẽ giúp chị an tâm hơn rất nhiều khi nghỉ thai sản.

“Năm 2022, tôi sinh con thứ hai chỉ được hưởng 24 triệu đồng tiền trợ cấp thai sản vì mức đóng quá thấp. Nếu đóng bảo hiểm xã hội trên 5 triệu đồng/tháng thì sắp tới sinh con tôi sẽ nhận được ít nhất 30 triệu đồng” - chị Dương nói.

Bên cạnh đó, chị Dương cho hay, cả hai vợ chồng đều đặt mục tiêu đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu chứ không có dự định rút một lần dù còn trẻ. Vì thế, theo nữ công nhân, tăng mức đóng thêm ít nhất 20% so với hiện tại là điều chị rất mong mỏi.

“Mục tiêu của hai vợ chồng tôi khi về hưu là đạt được mức lương hưu ít nhất 4 triệu đồng/người như thế mới không sợ phiền muộn con cái. Chỉ khi tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thì tôi mới có lương hưu cao" - chị Dương nói.

Mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là 10,5%. Hiện nay, công thức tính tiền đóng bảo hiểm xã hội được xác định như sau:

Mức tiền đóng bảo hiểm xã hội = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chẳng hạn tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 5 triệu đồng thì mức tiền đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng như sau:

Mức tiền đóng bảo hiểm xã hội = 10,5% x 5 triệu đồng = 525.000 đồng/tháng. Cách tính này chỉ áp dụng trong trường hợp 5 triệu đồng đó là mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác thuộc diện tính đóng bảo hiểm xã hội).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan