A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhờ đó đời sống người dân vùng dân tộc được cải thiện tích cực.

Nhiều chính sách thiết thực được triển khai

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Tày, Mường, Nùng… Các dân tộc thiểu số tại Vĩnh phúc sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, việc lồng ghép và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, cùng với những chính sách của nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc thiểu số; hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhờ những chính sách tích cực đó, công tác dân tộc thiểu số, xoá đói giảm nghèo tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành Chương trình Xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Đáng chú ý, trong số 93,5% dân số toàn tỉnh tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 80%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2021 đạt gần 80 triệu đồng/người/năm, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 47 triệu đông/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 là 1,51%; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3,01%...

Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia Bảo hiểm y tế

Mục tiêu 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia Bảo hiểm y tế

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục đặt mục tiêu tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia Bảo hiểm y tế; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%...

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số, gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (Tp. Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).

Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện Chương trình. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn theo quy định. Hệ thống các văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất. nhằm tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan