A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp cần thêm trợ lực để vượt qua khó khăn

Chỉ có 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần có thêm trợ lực để vượt qua thách thức, nâng cao năng lực…

 

hoi-thao-tro-luc-dnnvv.png

Quang cảnh Diễn đàn

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh” chiều ngày 17/4, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ở góc nhìn trong nước, số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93%.Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, mặc dù đã có gần 1 triệu DN đang hoạt động, tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các DN lớn.

“Tất cả những điều này cho thấy, cộng đồng DN nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ DN sẽ là những "chìa khóa" then chốt…”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

hoang-quang-phong.png

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu

Đồng thời, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới…

Đề cập đến việc Chính quyền Mỹ tạm hoãn 90 ngày trước khi áp thuế đối ứng với các quốc gia trong đó có Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng thời gian không dài và thách thức vẫn còn phía trước, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Do đó, việc hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách.

Trợ lực từ thể chế

Dẫn số liệu từ Cục Thống kê, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược TW) cho biết, giai đoạn 2018-2024 có trên 97% trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% DN không có gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài.

Một nghiên cứu của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, một nửa DN khảo sát (53,3%) trả lời không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

“Những con số trên cho thấy năng lực nội tại của phần lớn DN Việt Nam còn yếu, DN thiếu định hướng rõ ràng…”, bà Minh nhận định.

Đặc biệt, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cũng chỉ ra một thực trạng là trong mối quan hệ với DN nước ngoài, các DN Việt Nam hầu như vẫn chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị. Dẫn chứng là chỉ có khoảng 300 DN trong nước trên tổng số hơn 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và DN FDI, trong đó chủ yếu cung ứng hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản

“Điều đó cho thấy, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết DN còn bất cập. Chính sách phát triển DN chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia các liên kết DN, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế. Hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn thấp...”,Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhận định.

Theo bà Minh, Việt Nam hiện còn thiếu chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết DN, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Quy định hiện hành chưa đủ thuận lợi cho hoạt động tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị.

“Trong thời gian tới, cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh. Cần quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình…”, bà Minh kiến nghị,

Dẫn chứng những bất cập mà DN đang gặp trong thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, vướng mắc hiện nay của các nhà thầu liên quan chủ yếu đến Luật Đấu thầu. Do đó, trong thời gian tới, quá trình sửa Luật Đấu thầu cần lắng nghe ý kiến của các nhà thầu để đảm bảo phù hợp thực tế.

“Hiện nay, các văn bản pháp luật đưa ra đều lấy ý kiến, tuy nhiên, việc tiếp thu vẫn tương đối hạn chế, cho nên, thời gian tới nếu muốn nâng cao chất lượng văn bản thì cần có sự giải trình rõ ràng về việc tiếp thu và không tiếp thu trong quá trình lấy ý kiến để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng…”, ông Hiệp thẳng thắn nêu vấn đề.

Chủ tịch VACC cũng chỉ ra một số hạn chế pháp lý liên quan đến đấu thấu, đó là: chưa có sự rõ ràng, thủ tục còn tương đối kéo dài, một số thủ tục vẫn cần đến 5-6 con dấu…

“Do đó, rất cần có các cơ quan rà soát chất lượng văn bản để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cho môi trường kinh doanh”, Chủ tịch VACC đề nghị.

Cũng liên quan đến đấu thầu, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đề nghị có sự điều chỉnh trong Luật Đấu thầu, giành tối thiểu 20% giá trị gói thầu của Chính phủ cho các DN nhỏ và vừa đủ năng lực có thể tham gia vào dự án …

Bài toán vốn- Phát huy vai trò Quỹ bão lãnh tín dụng

nguyen-quoc-hung.png

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, khẩn trương có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó, sử dụng nhiều giải pháp thông qua các tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các DN còn khó khăn. Về phía DN là do thiếu tài sản thế chấp, không đáp ứng minh bạch tài chính; khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa nhiều DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian, chi phí, không có hiệu quả; một số chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù (như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản) còn khó khăn…

Để giúp DN vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Hùng đề xuất, Chính phủ và các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi phí thực thi của DN; có cơ chế chính sách đẩy mạnh tăng cường thị trường vốn, giảm áp lực vào nguồn vốn ngân hàng.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA, hiện cả nước có 28 quỹ Bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP (về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa). Ngoài Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hầu như các quỹ hoạt động không hiệu quả.

“Quan trọng nhất là cơ chế liên quan đến hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, cần giao cho UBND các tỉnh, thành phố tập trung phát triển quỹ này. DN nhỏ và vừa đã không có tài sản bảo đảm, năng lực cạnh tranh thấp, tình hình tài chính chưa tốt, nên rất cần hỗ trợ bảo lãnh vay vốn. Còn ngân hàng có thể giảm lãi suất nhưng không thể giảm điều kiện vay vốn. Do vậy, để hỗ trợ DN tiếp cận vốn, cần phát huy vai trò của quỹ báo lãnh tin dụng trong thời gian tới…”, ông Hùng đề nghị.

Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật