A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp gặp khó trong chuyển đổi máy móc lạc hậu sang thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện

Nhiều ý kiến cho rằng cần có hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận cơ chế tài chính để chuyển đổi máy móc lạc hậu sang thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện.

Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, hiện đơn vị đang có 18.000 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chiếm chỉ 3% trong tổng lượng khách hàng nhưng chiếm tới 40% lượng điện tiêu thụ. Đây là nhóm khách hàng sử dụng điện rất lớn, còn rất nhiều dư địa tiết kiệm điện.

Ông Trương Công Hồng – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng như các doanh nghiệp sản xuất đã có ý thức chủ động có các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên, không sản xuất vào giờ cao điểm và nổi bật là đổi mới máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến, tiết kiệm và có dán nhãn năng lượng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua quá trình vận hành hoạt động lâu năm, công nghệ máy móc đã lạc hậu tiêu hao năng lượng nhiều. Mặc dù các doanh nghiệp này muốn đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc mới nhưng gặp khó về vốn do ảnh hưởng của hậu Covid – 19.

Doanh nghiệp gặp khó trong chuyển đổi máy móc lạc hậu sang thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại miền Trung - Tây Nguyên muốn chuyển đổi máy móc lạc hậu sang thiết bị công nghệ tiên tiến, kiết kiệm điện nhưng gặp khó về vốn

Ông Hà Văn Chương – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết theo đánh giá của các tổ chức, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam chưa cao. Tiêu hao năng lượng của Việt Nam hiện bằng 1,3 – 1,6 lần so với các nước Đông Nam Á. Như vậy, chỉ cần mức tiêu hao năng lượng giảm bằng các nước Đông Nam Á chúng ta đã tiết kiệm được rất lớn điện năng tiêu thụ.

“Nên có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi công nghệ sản xuất lạc hậu sang công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng”, ông Chương nói.

Tương tự, theo Công ty Điện lực Gia Lai, đơn vị đang trực tiếp quản lý bán điện cho trên 300 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, sản lượng điện tiêu thụ bình quân lớn hơn 72.000kWh/năm, chiếm 25% tổng sản lượng điện tiêu thụ trên toàn tỉnh.

Trước thực tế nhu cầu điện ngày một tăng cao, vượt mức tăng trưởng của nguồn điện, việc sử dụng điện tiết kiệm điện là việc làm cần thiết nhằm vừa bảo đảm nhu cầu năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vừa đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó thường xuyên tư vấn, giới thiệu khách hàng được biết các công nghệ tiết kiệm điện hiện có trên thị trường để khách hàng tìm hiểu và có áp dụng tùy theo tình hình hình thực tế tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, đơn vị cũng hướng dẫn khách hàng được biết và sử dụng chương trình theo dõi sản lượng tiêu thụ từ xa qua công tơ điện tử, qua đó khách hàng trực tiếp theo dõi, biết và điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý nhất…..

Tuy nhiên, theo PC Gia Lai vẫn còn các doanh nghiệp vẫn chưa thực tốt công tác sử dụng điện tiết kiệm, không phải là không ý thức về việc sử dụng điện tiết kiệm, nhưng do công nghệ thiết bị lạc hậu, để sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả đối với doanh nghiệp hiện nay là đổi mới công nghệ, thiết bị. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí ban đầu khá cao; các doanh nghiệp lại không đảm bảo về năng lực tài chính (vốn đầu tư) để đổi mới công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đây chính là nút thắt và là một thực trạng không phải riêng ở Gia Lai mà hầu hết ở các địa phương, rất cần sự hỗ trợ hợp lý từ phía Nhà nước.

Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt giai đoạn phục hồi sau đại dịch covid 19 thì các doanh nghiệp rất cần các cấp có thẩm quyền xây dựng và thực thi các cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư và các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế các dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại thì công tác tiết kiệm điện trong thời gian tới sẽ đem lại những hiệu quả cao hơn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của đất nước và của từng địa phương.

Doanh nghiệp gặp khó trong chuyển đổi máy móc lạc hậu sang thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện
Nên chăng có chính sách "trợ lực" để doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới

TP. Đà Nẵng hiện có 9.673 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, trong đó có 605 khách hàng nằm trong các Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao và chiếm tỷ lệ 6,25%; lượng điện tiêu thụ của khối doanh nghiệp sản xuất năm 2022 chiếm 35,58% tổng điện năng tiêu thụ toàn thành phố (5 tháng đầu năm chiếm 33,58%)

Theo ông Nguyễn Đình Phúc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam, hiện đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị hiện đại như chính sách khuyến công (ngành Công Thương), chính sách đổi mới công nghệ (của ngành Khoa học – Công nghệ), tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng hạn chế, đối tượng thụ hưởng cũng giới hạn. “Vì vậy, muốn có thêm nhiều doanh nghiệp được đổi mới máy móc thiết bị cần có chủ trương, chính sách hỗ trợ. Việc hỗ trợ thay đổi máy móc thiết bị cho doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng từng địa phương và phải có chủ trương cụ thể sau đó thể hiện bằng chính sách”, ông Phúc nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan