Doanh nghiệp sản xuất thép trước thách thức giảm phát thải
Để giúp các doanh nghiệp thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu cũng như thực hiện tốt Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính, chiều ngày 12/9 tại Hà Nội, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC đã phối hợp với Hiệp hội Thép tổ chức Hội thảo đào tạo về phương pháp kiểm kê, giảm nhẹ và Báo cáo phát thải khí nhà kính cho các công ty ngành thép với sự tham dự của gần 60 doanh nghiệp sản xuất thép.
Tại hội thảo, các nhà sản xuất thép sẽ hiểu rõ hơn về các công nghệ khử carbon công nghiệp qua đó giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của họ cũng như các cơ hội và thách thức liên quan đến giao dịch carbon; từ đó có thể áp dụng để đáp ứng các quy định ngày càng chặt chẽ nhằm hướng đến mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 và yêu cầu khắt khe về thép có hàm lượng carbon thấp của người mua cuối trong chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sự kiện nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo giảm phát thải khí nhà kính dễ dàng, giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong đó có EU.
“Từ ngày 1/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp thép hiểu rõ hơn về các công nghệ khử cabon công nghiệp có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của họ và các cơ hội, thách thức liên quan đến giao dịch carbon thông qua đào tạo về kiểm kê, giảm thiểu và báo cáo phát thải khí nhà kính ở cấp độ doanh nghiệp cho các công ty thép”, ông Nghiêm Xuân Đa nói.
Hội thảo cũng cung cấp cho các công ty thép công cụ tính toán (mô hình excel) có thể sử dụng để lập báo cáo phát thải khí nhà kính hàng năm và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính theo quy định của Việt Nam.
Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp cơ bản ở Việt Nam, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, đóng tàu, sản xuất vỏ container, ô tô, thiết bị gia dụng, cơ khí và các ngành khác.
Thông tin từ VSA cho biết, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,397 triệu tấn thép, giảm 35,85% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 7,99 tỷ USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên ngành sắt thép và nhôm sẽ phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon từ ngày 1/10/2023.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp muốn duy trì thị trường xuất khẩu thì phải tuân thủ kiểm kê và giảm phát thải khí thải nhà kính theo những quy định này.
Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng Enerteam cho biết: “Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam khi mà tỷ lệ phát thải khí nhà kính trung bình của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình của thế giới khoảng 23%. Cụ thể mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam hiện đang ở mức 2,51 tấn CO2/tấn thép thô trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô”.
Ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những trọng tâm nhiệm vụ hàng đầu và cấp thiết hiện nay, đặc biệt là ngành thép là một phân khúc quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp, có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn.
Trong bối cảnh đó cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực thép đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững và phát thải carbon thấp, doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ đóng góp trực tiếp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.../.