A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DOJI và hành trình ba thập kỷ: Từ trang sức, tài chính đến bất động sản

Thành công trong kinh doanh vàng bạc, đá quý là tiền đề hậu thuẫn cho DOJI lấn sân sang mảng tài chính – ngân hàng và bất động sản, với ba đại diện nổi bật là Chứng khoán Tiên Phong, TPBank và DOJI Land.

doji-tower.jpg

Tòa nhà DOJI Tower - trụ sở chính của Tập đoàn DOJI - Ảnh: DOJI

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập ngày 28/7/1994.

Đến nay sau 30 năm phát triển, từ lĩnh vực tiên phong là vàng bạc đá quý, DOJI đã mở rộng sang đầu tư bất động sản, du lịch, nhà hàng và lấn sân sang cả lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Cùng với đó, tổng tài sản của Tập đoàn cũng tăng lên qua các năm. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của DOJI đạt hơn 15.850 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm 2022, trong đó, vốn chủ sở hữu là 6.745 tỷ đồng.

Hệ sinh thái đa ngành

Sự lớn mạnh của DOJI qua 3 thập kỷ gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đỗ Minh Phú. Tính đến tháng 8/2016, ông Phú là cổ đông lớn nhất, trực tiếp sở hữu 70% vốn điều lệ DOJI (hiện DOJI có vốn điều lệ là 4.500 tỷ đồng).

Ông Phú từng là Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Đá quý VIGEMTEC từ năm 1992 đến năm 1994, trước khi thành lập và giữ vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD vào năm 1994.

Năm 2007, để kiện toàn bộ máy, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý và đầu tư thương mại DOJI. Ông Phú đồng thời kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Năm 2009 DOJI tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Tính đến nay, Tập đoàn DOJI có 15 công ty thành viên, 5 công ty liên kết góp vốn, 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc.

Đáng chú ý, từ khi chuyển sang mô hình tập đoàn, DOJI cũng bắt đầu mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác.

Năm 2012, DOJI đã tái cơ cấu thành công Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), trở thành cổ đông chiến lược của nhà băng này và ông Đỗ Minh Phú cũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT TPBank.

Dưới sự lãnh đạo của ông Phú và các cộng sự, TPBank từ lỗ hàng nghìn tỷ đồng (năm 2011) đã vươn mình trở thành một nhà băng có lợi nhuận liên tục tăng trưởng (từ lãi sau thuế 116 tỷ đồng năm 2012 lên mức đỉnh 6.260 tỷ đồng năm 2022, trước khi lùi về 4.463 tỷ đồng năm 2023).

tpbank.png

Sau khi Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 ra đời, không cho phép Chủ tịch, Tổng Giám đốc ngân hàng được làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, ông Phú đã chuyển giao các vai trò điều hành tại DOJI cho thế hệ lãnh đạo kế cận.

Tháng 4/2018, ông Đỗ Minh Đức - con trai ông Phú đã trở thành người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc DOJI. Đến tháng 9/2023, công ty có người đại diện kiêm Tổng Giám đốc mới là bà Đỗ Vũ Phương Anh - con gái ông Phú. Hiện nay, ông Đỗ Minh Phú giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI.

Ngoài ra, để hoàn thiện hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính, doanh nhân họ Đỗ đã bổ sung thêm mảng kinh doanh chứng khoán thông qua Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS). Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của TPS, TPBank nắm giữ trực tiếp gần 30,3 triệu cổ phiếu ORS, tương đương 9,01% vốn.

Chưa dừng lại ở đó, hệ sinh thái tài chính của DOJI Group còn tiếp tục mở rộng với thương vụ M&A Công ty CP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) - pháp nhân hiện do TPBank nắm 75% vốn sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ hồi đầu năm 2024 với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh mảng ngân hàng, tài chính, chứng khoán, từ năm 2014, DOJI cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản thông qua việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land.

Doanh nghiệp bất động sản này đã tạo được dấu ấn với một số dự án như: Tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long, khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên…

Đặc biệt, dự án tòa nhà DOJI Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội với thiết kế như một "viên kim cương" giữa lòng Thủ đô, hiện đang được DOJI sử dụng làm trụ sở chính.

Ngoài DOJI Land, Tập đoàn DOJI cũng có một số thành viên khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư địa ốc châu lục, Công ty CP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo…

Bức tranh tài chính: Lợi nhuận mảng ngân hàng chiếm phần lớn

Chỉ tỉnh riêng trong 3 năm gần nhất (2021, 2022, 2023), lợi nhuận sau thuế của DOJI lần lượt đạt 234 tỷ đồng, 1.017 tỷ đồng và 491 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân theo ngày giảm từ mức gần 2,79 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 1,34 tỷ đồng năm 2023.

Dù lãi ròng biến động nhưng nợ phải trả của DOJI Group lại tăng trưởng mạnh qua các năm, từ mức 923 tỷ đồng (năm 2021) lên 12.405 tỷ đồng (năm 2022) và đạt 15.851 tỷ đồng (năm 2023).

vang.png

Lợi nhuận sau thuế của DOJI so với một số doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Là thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái DOJI, DOJI Land cũng có một năm 2023 kinh doanh không thuận lợi với doanh thu thuần giảm 95% so với năm 2022, đạt 126 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 185 tỷ đồng (giảm 26% so với năm 2022) nên DOJI Land vẫn lãi sau thuế 172 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này đã giảm tới 55% so với năm trước đó.

Trong giai đoạn 2021 - 2022, DOJI Land từng ghi nhận doanh thu thuần tăng từ 2.058 tỷ đồng lên 2.849 tỷ đồng (tăng 38%). Lợi nhuận gộp tăng tương ứng từ 545 tỷ đồng lên 1.005 tỷ đồng (tăng 84%). Đồng thời, hoạt động tài chính cũng tăng từ 18 tỷ đồng (năm 2021) lên 251 tỷ đồng (năm 2022), tức tăng gấp 14 lần.

Nhờ vậy, DOJI Land ghi nhận khoản lãi sau thuế 2 năm 2021 - 2022 tương ứng là 136 tỷ đồng và 386 tỷ đồng (tương ứng tăng trưởng 3,7 lần).

Với TPBank, như đã đề cập ở trên, lợi nhuận sau giai đoạn tăng trưởng liên tục và lập đỉnh vào năm 2022 đã quay đầu giảm vào năm 2023. Tuy nhiên, sang năm 2024, lợi nhuận của TPBank đang phục hồi trở lại, sau 9 tháng, nhà băng này ghi nhận 4.368 tỷ đồng lãi ròng, gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 và đã thực hiện được 73% kế hoạch năm.

Tương tự, Chứng khoán Tiên Phong sau khi đổi tên (trước đó là Chứng khoán Phương Đông) và dọn về “chung nhà” với TPBank đã thoát cảnh thua lỗ triền miên và có sự tăng trưởng nhưng không liên tục.

Trong 3 năm 2019 - 2021 lãi sau thuế của công ty đã tăng gần 4 lần từ 54 tỷ đồng lên 211 tỷ đồng song năm 2022 lại sụt giảm về 136 tỷ đồng, trước khi hồi phục về mức 228 tỷ đồng năm 2023.

Trên đà phục hồi, năm 2024 TPS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 358 tỷ đồng và sau 9 tháng đã đạt 385 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng theo đó cũng đã đạt gần 308 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ 2023.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật