Nhiều đãi ngộ nhưng doanh nghiệp Vĩnh Phúc vẫn không tuyển đủ công nhân
Mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng thiếu công nhân trầm trọng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại đang gặp khó trong tuyển dụng lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Kim Ly
Doanh nghiệp khó tuyển công nhân
Là doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư 100% Hong Kong (Trung Quốc), với đa dạng các sản phẩm như quần âu, áo sơ mi, dệt kim, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL) dự kiến mở rộng thêm 10 dây chuyền sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác nên cần tuyển mới 800 lao động.
“Công tác tuyển lao động của công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh tuyển dụng với các công ty khác trong khu vực. Bên cạnh đó, lao động trẻ ít quan tâm đến ngành may nên đến nay, công ty mới tuyển dụng được 46% nhu cầu”, ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự, Công ty TAL chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng đó, công ty đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ về lương, thưởng hấp dẫn; chủ động thành lập bộ phận kỹ thuật để đào tạo lao động từ cơ bản đến chuyên sâu, mở rộng tuyển dụng lao động ngoại tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ với chính sách hỗ trợ chỗ ở và đi lại cho lao động.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haesung Vina Vĩnh Phúc (Khu công nghiệp Khai Quang) đang có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động phổ thông với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Dù không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm để phục vụ dây chuyền sản xuất mới nhưng vẫn không tuyển đủ công nhân.
Cũng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn BH Flex Vina cần tuyển 1.500 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Arcadyan Technology tuyển gần 1.700 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 tuyển hơn 1.500 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Solum Vina cần 1.500 lao động…
Tìm giải pháp cho bài toán khó
Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng gần 22.000 lao động mới, trong đó có hơn 14.500 lao động chưa qua đào tạo. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: Ngành điện tử, may mặc, kinh doanh, cơ khí, nhân viên kỹ thuật...
Ông Phùng Quốc Ban - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Để đáp ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp sản xuất đơn hàng, đơn vị đang đẩy mạnh các sàn giao dịch, tổ chức các hội chợ việc làm để kết nối cung - cầu lao động.
Hàng năm, trung tâm tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm dưới nhiều hình thức như phiên cố định tại trung tâm, phiên lưu động tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Trung tâm cũng xây dựng mạng lưới cộng tác viên là cán bộ lao động - việc làm tại các xã, phường, thị trấn, nhân viên, giáo viên của các trung tâm giáo dục; ký kết biên bản hợp tác, cung cấp thông tin thị trường lao động, cung ứng lao động với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh lân cận.
“Để tìm giải pháp cho bài toán khó nêu trên, chúng tôi đang đẩy mạnh tư vấn người lao động thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và hỗ trợ họ tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động”, ông Phùng Quốc Ban bày tỏ.
Được biết, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cũng như đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn về phúc lợi để góp phần thu hút, giữ chân lao động như xây dựng các tiện ích công cộng, thiết yếu, nhà ở xã hội cho công nhân…
Để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội chợ việc làm năm 2025 thu hút sự tham gia của 30 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hàng trăm học sinh, sinh viên, người lao động.
Tại hội chợ, ứng viên được tiếp cận, tìm hiểu năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được tư vấn về các chính sách vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương.