A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Prudential Việt Nam: Kinh doanh bảo hiểm thua lỗ, hoạt động tài chính là điểm sáng của doanh nghiệp

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với mảng hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm chuyển từ lãi sang lỗ hơn 1.600 tỷ trong nửa đầu năm. Bù lại, lợi nhuận từ hoạt động tài chính gần 6.200 tỷ đã giúp doanh nghiệp có lãi gần nghìn tỷ.

Theo báo cáo, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential Việt Nam ghi nhận gần 11.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm, giảm 13% so với cùng kỳ (giảm mạnh nhất là doanh thu của bảo hiểm liên kết đầu tư với 22%).

Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng 2,6% lên 12.640 tỷ đồng, bao gồm hơn 11.880 tỷ đồng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm (tăng 5,8% so với cùng kỳ) và 760 tỷ đồng chi phí khác, chủ yếu là chi phí hoa hồng (giảm 30,6% so với cùng kỳ).

Kết quả, nửa đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential lỗ gộp 1.672 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 322 tỷ đồng.

Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Prudential Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là hoạt động tài chính. Doanh thu mảng này ghi nhận hơn 6.508 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí cho hoạt động này chỉ hơn 300 tỷ, giúp lợi nhuận từ hoạt động này đạt gần 6.200 tỷ. 

Theo thuyết minh, lãi thuần từ hoạt động tài chính tăng trưởng chủ yếu nhờ việc Prudential ghi nhận lãi hơn 719 tỷ đồng từ việc bán chứng khoán đầu tư, cùng kỳ năm trước lỗ 449 tỷ đồng. Trong khi thu nhập lãi từ trái phiếu, tiền gửi,... biến động không quá lớn.

Ảnh: Báo cáo tài chính bán niên 2024 của Prudential Việt Nam

Sau khoản lỗ gộp từ hoạt động bảo hiểm cùng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Prudential Việt Nam báo lãi thuần 1.093 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.092 tỷ đồng và 916 tỷ đồng, đều giảm 32%.

Về quy mô tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Prudential Việt Nam ghi nhận ở mức hơn 182.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với hồi đầu năm. Trong đó tài sản dài hạn chiếm 73%.

Đáng chú ý, trong các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, Prudential Việt Nam đang đầu tư gần 17.339 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM (Prudential nắm giữ 495 triệu cổ phiếu tính đến cuối tháng 6). Phần còn lại chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng và tạm ứng cho chủ hợp đồng bảo hiểm từ giá trị hoàn lại. 

Theo công bố cổ đông sở hữu từ 1% vốn tại các ngân hàng, Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam cũng đang sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank, tương ứng 1,07% vốn ngân hàng. Người liên quan của Prudential cũng có hơn 2,9 triệu cổ phiếu CTG (Ngân hàng VietinBank), tỷ lệ sở hữu 0,05% vốn.

Thêm vào đó, Prudential Việt Nam đang có hơn 69,4 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB, tương đương 1,555% vốn ngân hàng, liên quan cổ đông này cũng đang có 0,008% vốn (350.635 cổ phần) tại nhà băng này. 

Cuối cùng, Prudential cũng là đơn vị sở hữu hơn 65,7 triệu cổ phiếu MB, tương đương 1,24% vốn điều lệ. Người liên quan của Prudential nắm giữ hơn 1,44 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,02% vốn ngân hàng.

Về phía các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Prudential chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với hơn 72.600 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng là gần 30.560 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đang có gần 17.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 6, Prudential có 1.536 nhân viên, giảm 152 người so với đầu năm. Với chi phí lương gần 720 tỷ đồng. Ước tính bình quân mỗi tháng Prudential chi cho mỗi nhân viên hơn 78 triệu đồng (chưa tính đến tiền thưởng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm).

Các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm nhận định, thách thức lớn nhất đến nay vẫn là dư âm của cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 còn kéo dài sang 2024, trong khi người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành còn phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gia tăng, vấn đề trục lợi bảo hiểm, nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance.

Dự báo của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên. Mặc dù năm 2022 một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm nhưng so với năm 2017, mức phí này đã tăng gấp 2 lần.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật