A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao doanh nghiệp Việt ít ngồi với nhau để làm việc và cùng phân chia lợi nhuận?

Mọi người đều biết ngay từ quý I/2022 và tiếp theo là 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ở các nước, tình hình địa chính trị phức tạp xung đột vẫn xảy ra, lạm phát tăng cao do nguồn cung hàng hóa thiếu hụt lớn. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nay chưa khôi phục hoàn toàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Ở Việt Nam, xuất khẩu sụt giảm; tiêu dùng trong nước vẫn chưa khôi phục hoàn toàn; đầu tư công chậm được giải ngân, thu nhập của phần lớn bộ phận dân cư còn có những khó khăn, việc tiết kiệm mua sắm là một điều tất yếu trong gia đoạn hiện nay.

Bài toán đặt ra là làm thế nào khôi phục và tiến tới giữ vững được nhịp độ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo cân đối vĩ mô kiềm chế lạm phát với những chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt. Tăng cường hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn trong gia đoạn hiện nay. Gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị quyết 58/CP về việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách giải pháp từ nay cho đến năm 2025 như: Vốn, chi phí, nguyên liệu đầu vào, giảm giãn thuế phí, lệ phí…

Hình thức chia lợi nhuận giữa các thành viên trong công ty

Đây là một sự cố gắng lớn của nhà nước trong lúc tài chính và nguồn thu còn eo hẹp. Câu hỏi đặt ra ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương thì bản thân từng doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh cả nước phải làm gì để chung tay vượt qua những khó khăn trong năm 2023 và có thể cả năm 2024 sắp tới?

Khi viết bài này, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện gần đây của ngành du lịch Thái Lan, đó là bốn ngành: Khách sạn, hàng không, thương mại, ăn uống và vận tải đường bộ cùng ngồi lại với nhau để tổ chức các tour du lịch trong đó có việc cùng chia sẻ lợi nhuận hợp lý hài hòa giữ các doanh nghiệp và bộ phận tham gia. Chỉ qua câu chuyện này và cộng thêm với nhiều cách làm hiệu quả để đón khách đến với đất nước chùa vàng, chính vì vậy mà mặc dù Thái Lan có ít di sản thiên nhiên thế giới được phong tặng, cảnh quan du lịch, các bãi biển không thể so sánh được với điều kiện của Việt Nam nhưng bình quân hàng năm số lượng khách quốc tế đến với nước bạn thường cao hơn nhiều so với chúng ta.

Qua câu chuyện trên bài viết muốn gợi ý để ngành du lịch Việt Nam tham khảo những kinh nhiệm hay để góp phần vào việc thu hút khách trong thời gian tới nhất là khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng qua còn ở mức độ khiêm tốn bởi nhiều nguyên nhân trong đó có một vẫn đề đó là: Các ngành liên quan đến du lịch còn ít liên kết hợp tác, ngồi lại với nhau để tạo sức mạnh chung và phân chia lợi nhuận hợp lý sau khi hoàn thành các tour phục vụ khách trong và ngoài nước.

Ngoài ngành du lịch, bài viết còn muốn mở rộng ra các ngành kinh tế khác như sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam cũng đang có tình trạng còn chia cắt, chưa gắn kết chặt chẽ với nhau. Lợi nhuận trong chuỗi sản xuất phân phối về tay ai thì bộ phận đó được hưởng, thậm chí hưởng lợi nhuận một cách vô lý và không công bằng, trong đó người sản xuất thường bị thiệt thòi nhất.

Điểm qua hai ngành du lịch và nông nghiệp ở Việt Nam cho ta thấy còn phổ biến “ít ngồi lại với nhau để tạo thành sức mạnh chung và phân chia lợi nhuận tương đối hợp lý”. Chúng ta mong rằng hình ảnh rất đẹp và nhân văn của hệ thống du lịch Thái Lan là những bài học rất thực tế cần được áp dụng và nhân rộng ở Việt Nam chúng ta.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công”. Lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam, nhất là trong những lúc còn có những khó khăn trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật