A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhờ chú trọng đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong khai thác than, Công ty Than Quang Hanh - TKV đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021.

2021 là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam và toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước những khó khăn đó, các chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Mặc dù, kinh tế thế giới cũng như trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn, song các DN đã có những chuẩn bị tốt ngay từ đầu năm với mục tiêu tăng trưởng so với năm 2020 và vượt kế hoạch được giao; nỗ lực triển khai kế hoạch và đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 826.390 tỷ đồng, bằng 99% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 107% so với năm 2020.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 34.390 tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch và bằng 93% so với năm 2020. Tổng nộp ngân sách công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 62.870 tỷ đồng, vượt 22% so với kế hoạch và bằng 100,1% so với năm 2020.

Điểm sáng tích cực được thể hiện qua con số của 5 tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận cao so với kế hoạch năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước; 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch doanh thu và 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận trước thuế năm 2021; 1 tập đoàn, 2 tổng công ty đã có lợi nhuận sau một số năm hoạt động chưa hiệu quả.

Đáng chú ý, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sau 3 năm 2017, 2019 và 2020 lỗ, năm 2021, Công ty mẹ Tập đoàn đã có lợi nhuận 193 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sau 2 năm 2019 - 2020 lỗ, năm 2021, Công ty mẹ Tổng công ty có lợi nhuận 230 tỷ đồng…

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn đọng như: Việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng chưa bảo đảm thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch SXKD mà Ủy ban đã giao, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Sắp xếp lại nhà, đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực để có một bức tranh kinh tế với gam màu sáng, tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng. Ông có thể lý giải nguyên nhân cụ thể về những tồn đọng này thưa ông?

Tồn đọng là do khối lượng công việc của Ủy ban rất lớn, lĩnh vực đa dạng, tính chất phức tạp, một số công việc tồn đọng kéo dài qua nhiều đời chính sách, quy định. Đa số các công việc sự vụ, thường xuyên thuộc trách nhiệm giải quyết của Ủy ban phải xin ý kiến các bộ, ngành, nhiều trường hợp bộ, ngành trả lời chậm nên thời gian kéo dài. Quá trình thực hiện CPH mất thêm nhiều thời gian để tiến hành rà soát, xử lý tài sản công và một số tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - động viên người lao động tại Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3

Về phía các tập đoàn, tổng công ty, cũng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào, công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Một số DN cấp II của các tập đoàn, tổng công ty tại địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện "3 tại chỗ" làm phát sinh chi phí, năng suất thấp. Không những thế, giá một số mặt hàng, sản phẩm như dầu, phân bón, cước vận tải biển tăng cao cũng làm tăng chi phí đối với các DN sử dụng các mặt hàng, dịch vụ này làm đầu vào.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy hoạch đất đai tại địa phương, hồ sơ giấy tờ, tranh chấp quyền sử dụng đất...; số lượng cơ sở nhà đất nhiều, rải rác trên phạm vi cả nước.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch, những ưu tiên của Ủy ban trong năm 2022 và công tác sắp xếp đổi mới, CPH và thoái vốn tại DN nhà nước tiếp tục thực hiện ra sao, thưa ông?

Trong năm 2022, Ủy ban đã đề ra các phương hướng và nhiệm vụ: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

Trên cơ sở đó, rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và DN. Nghiên cứu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về cơ chế, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành với Ủy ban trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là công tác giám sát tài chính, đầu tư. Áp dụng các cơ chế và công cụ quản lý hiện đại vào công tác của Ủy ban trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động SXKD, đầu tư và tình hình tài chính của các DN nhằm đưa ra những quyết định quản lý, cảnh báo rủi ro sát thực, kịp thời, phù hợp.

Ngoài ra, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.

Về công tác CPH, thoái vốn, trong năm 2021 chưa thực sự đạt được kết quả nổi bật, một phần nguyên nhân đến từ tình hình dịch bệnh và các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào hoạt động SXKD và sức khỏe của người lao động. Tháng 10/2021, Ủy ban đã xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua, Ủy ban sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện.

Trong thời gian tới, việc CPH, thoái vốn dự kiến sẽ được triển khai tích cực và khẩn trương hơn do quy định pháp luật về CPH, thoái vốn về cơ bản đã được các bộ, ngành sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công cũng đã được Ủy ban và các DN tập trung xử lý kể từ thời điểm tiếp nhận năm 2018 đến nay.

Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan