A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp căng mình kìm giá hàng hóa

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết 11/NQ-CP với quy mô 350 nghìn tỷ đồng đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn thủ tục thông thoáng, giúp họ tiếp cận sớm nguồn lực để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Áp lực lớn

Thông thường sau Tết Nguyên đán, DN ở thị trường nội địa đều có một đợt điều chỉnh giá bán tại các kênh phân phối lớn. Tuy nhiên, năm nay, theo chia sẻ từ Saigon Co.op, nhà bán lẻ này hầu như không có sự điều chỉnh giá bán các mặt hàng thiết yếu, thậm chí còn chủ động thực hiện loạt chương trình giảm giá mạnh tay để kích cầu. "Trong giai đoạn thị trường hàng hóa đang có nhiều biến động do giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao, chúng tôi đã chủ động dự trữ hàng hóa, làm việc với các nhà cung cấp để luôn giữ giá ở mức ổn định nhằm chia sẻ chi tiêu với người tiêu dùng và góp phần tích cực bình ổn thị trường" - bà Vũ Nguyễn Diễm Thi - Giám đốc Marketing của Saigon Co.op - cho biết.

Doanh nghiệp căng mình kìm giá hàng hóa
Doanh nghiệp chung tay ổn định giá hàng hóa

Đối với DN sản xuất, giá xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian gần đây đang tạo ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh bởi hầu hết chi phí đầu vào đều tăng theo giá xăng dầu, trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng vì sức mua thấp. Để tiếp tục duy trì sức mua, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Vissan - cho hay, DN này cam kết không tăng giá sản phẩm dù giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. Thậm chí, Vissan còn phối hợp cùng các siêu thị thực hiện luân phiên một số đợt giảm giá thịt heo, chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng. Cũng như Vissan, đại diện Meizan cho biết, ngoài một số mặt hàng tăng giá theo lộ trình đã thông báo từ cuối năm 2021, hầu hết các sản phẩm như nui, mì… của DN này đều không có sự điều chỉnh tăng.

Ở mảng xuất khẩu, do các hợp đồng đã ký không phải muốn là có thể thay đổi giá ngay, nên nhiều DN như "ngồi trên đống lửa" và phải tính toán đủ đường để giảm thiểu mức thiệt hại. "Chúng tôi đang chuyển qua giao hàng tập trung, số lượng lớn, thay vì đi lẻ tẻ vài container như trước đây nhằm giảm bớt chi phí tàu biển. Đối với vận chuyển trong nước, thay vì đi đường bộ, chúng tôi chọn đường thủy để có giá tốt hơn" - ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - chia sẻ.

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Phan Văn Dũng cho biết, DN phải siết chặt mọi chi phí hoạt động, đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận. "Sau hơn 2 năm dịch kéo dài, thu nhập của người dân sụt giảm nên tới nay, sức cầu thị trường không cao. Giai đoạn này, chúng tôi không tăng giá sản phẩm để chia sẻ với khách hàng, góp phần ổn định thị trường" - ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Đồng Nai, các DN thay vì thực hiện đơn hàng dài hạn đã chuyển qua làm đơn hàng trong ngắn hạn, chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ nhiều đối tác khác nhau để có giá tốt. Cùng với đó, những nguồn nguyên liệu có thời hạn bảo quản lâu sẽ đưa về kho lưu trữ; nguồn nguyên liệu đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản cao có thể phải ký hợp đồng mua trước với nhà cung ứng…; tuy nhiên, chỉ những DN có vốn mạnh mới thực hiện được. Do vậy, "để các doanh nghiệp đều làm được điều này, cần sự hỗ trợ vốn từ nhà nước" - ông Chương đề xuất.

Ngoài các giải pháp trên, trên phương diện vĩ mô, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng tin học TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, để hỗ trợ người dân cũng như DN, những chính sách đưa ra phải nhanh chóng đi vào thực tiễn và có tính lan tỏa tốt. Theo đó, chúng ta có thể điều chỉnh các khoản phí gắn với xăng dầu như phí môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… và thu bù, thu thêm khi nền kinh tế ổn định hơn.

Trên thực tế, để có giá hàng hóa điều chỉnh ở mức tối thiểu khoảng 10% theo mặt bằng chung của thị trường hoặc thậm chí không tăng, các DN đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, thậm chí bù lỗ.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan