A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối giao thương trực tiếp: Cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Anh tăng vọt trong 2 tháng đầu năm. Đặc biệt, các siêu thị bán lẻ tại Anh đang hạn chế một số sản phẩm cá đông lạnh của Nga nên trong thời gian tới có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam gia tăng thị phần.

Khôi phục các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp

Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thích ứng linh hoạt và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang trực tuyến, tuy nhiên, chưa cho kết quả cao, nhất là đối với các doanh nghiệp mới, các đơn vị nhỏ.

Kết nối giao thương trực tiếp: Cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch
Việc kết nối xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến đã phát huy vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch Covid - 19

Bà Trần Thị Ánh Hương – Đại diện HTX Nông nghiệp sạch Đông Triều (Quảng Trị) cho biết: trong năm 2021, đơn vị đưa ra thị trường sản phẩm mới là miến rau củ các loại, tuy nhiên, vì đặc thù là thực phẩm và là sản phẩm mới vì vậy mặc dù có tham gia nhiều chương trình kết nối trực tuyến nhưng kết quả không cao. “Nhà phân phối và tâm lý người tiêu dùng đối với thực phẩm đều phải là nhìn thấy và dùng thử cảm nhận. Điều này đối với hình thức trực tuyến là một hạn chế”, bà Hương nói.

Là đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn công nghiệp, bà Đinh Thị Xuân – Công ty Đạt Tấn Phát (chợ đầu mối Hòa Cường) cho rằng, việc kết nối trực tiếp sẽ giúp đơn vị trao đổi thông tin cũng như lựa chọn sản phẩm, đàm phán giá cả thuận lợi và hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Phi Tường – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị dịch Covid – 19 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, của trung tâm xúc tiến. Mặc dù xúc tiến trực tuyến mang lại hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn chủ yếu mang tính giới thiệu. “Vì vậy, ngay khi vaccine được tiêm phủ với tỷ lệ cao, Trung tâm đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động kết nối giao thương trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến các địa phương bạn xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho sản phẩm”, ông Tường cho hay.

Bà Phạm Thị Minh Hương – Trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum cho biết ưu thế của xúc tiến thương mại trực tuyến là tiết kiệm chi phí, nhưng đối với thực phẩm khách hàng cần trải nghiệm trực tiếp, dùng thử thì hiệu quả sẽ cao hơn. “Trong năm 2022, trung tâm sẽ khôi phục lại các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp ở mức tối đa, có duy trì kết nối trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch bệnh”, bà Hương cho hay.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị hiện Quảng Trị đã tổ chức được một đợt xúc tiến thương mại trực tiếp tại 3 địa phương Quảng Ngãi – Quảng Nam – Đà Nẵng (từ 21 – 25/3) đạt nhiều kết quả tích cực. Sau chương trình này trung tâm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ quy mô lớn như Vietnam Expo tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tham gia các đoàn giao thương kết nối cung cầu trên địa bàn cả nước.

Kết nối giao thương trực tiếp: Cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch
Các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang đẩy nhanh việc khôi phục các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid - 19

Ông Lê Chí Hiếu – Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị cho biết dịch Covid – 19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sức tiêu thụ các sản phẩm của công ty, vì vậy, khi có thông tin về chương trình kết nối giao thương trực tiếp đơn vị đã đăng ký tham gia và đạt được kết quả hơn kỳ vọng. Theo ông Hiếu, trong hội nghị kết nối giao thương trực tiếp phạm vi tìm kiếm đối tác, nhà phân phối rộng hơn, đơn vị sản xuất có cơ hội lớn hơn tiếp cận, giới thiệu và giải đáp các thắc mắc đến các nhà phân phối. “Chúng tôi tìm được nhiều đối tác khi kết nối trực tiếp với TP. Đà Nẵng mới đây và chương trình kết nối giao thương này mang lại kết quả thành công hơn so với tôi kỳ vọng. Doanh nghiệp rất phấn khởi, đây cũng là tín hiệu rất tích cực tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid – 19”, ông Hiếu nói.

Theo Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng, trong năm 2022 đơn vị sẽ đẩy mạnh nhiều chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp để tạo cơ hội giao thương cho doanh nghiệp. Sau chương trình kết nối giao thương với Quảng Trị, sắp tới, tại TP. Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình kết nối giao thương trực tiếp với 3 địa phương Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk. Hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng năm 2022 cũng sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp thay vì hình thức trực tuyến như năm 2021. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm…Ngoài ra, trung tâm sẽ hỗ trợ để đưa các đoàn doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng đi tham gia kết nối cung cầu, giao thương trực tiếp ở các địa phương khác để tìm kiếm cơ hội hợp tác, giúp doanh nghiệp thuận lợi phục hồi sau dịch Covid – 19.

“13 đơn vị doanh nghiệp với khoảng hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum sẽ tham gia chương trình kết nối giao thương với TP. Đà Nẵng vào ngày 29/3 tới đây. Chúng tôi kỳ vọng những chương trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm đối tác, ổn định lại và mở rộng sản xuất kinh doanh”, Đại diện trung tâm Khuyến công & XTTM tỉnh Kon Tum nói.

Vũ Lê
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan