Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động
Hà Nội - Ngày 24.4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp tổ chức đối thoại có chủ đề "Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động”.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại liên quan đến Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Hà Anh
Tham dự buổi đối thoại, giao lưu trực tiếp có hơn 300 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Quốc Oai, Hà Nội. Buổi đối thoại còn diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Quốc Oai hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Ngày Quốc tế Lao động 1.5, hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động 2025.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I; Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội.
Các chuyên gia tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại buổi đối thoại. Ảnh: Hà Anh
Phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, Luật Thủ đô 2024 được ban hành với nhiều điểm mới quan trọng, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và từng người lao động nói riêng. Các quy định mới không chỉ tập trung vào việc quản lý đô thị, quy hoạch và phát triển kinh tế, mà còn mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Những điều chỉnh này góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả công nhân, viên chức và người lao động.
Các chính sách mới liên quan đến người lao động trong năm 2024 cũng có nhiều điểm đổi mới đáng chú ý, trong đó, việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, BHXH và hỗ trợ việc làm được đặt lên hàng đầu nhằm tạo động lực làm việc, tăng cường sự ổn định và an toàn trong công việc. Những cải cách này không chỉ giúp người lao động có thu nhập tốt hơn mà còn tạo cơ hội để nâng cao kỹ năng, phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cũng có tác động sâu rộng đến môi trường làm việc. Những thay đổi về cơ cấu nhân sự, cải cách thủ tục hành chính và tối ưu hóa mô hình hoạt động của các đơn vị không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp mỗi người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, được bảo vệ quyền lợi chính đáng và có cơ hội phát triển lâu dài.
“Buổi đối thoại là diễn đàn mở để mọi người chia sẻ quan điểm, thắc mắc để thực thi chính sách sao cho thực sự phù hợp với thực tiễn lao động” - ông Đinh Tuấn Anh cho hay.
Người lao động đặt câu hỏi với ban tổ chức tại buổi đối thoại. Ảnh: Hà Anh
Tại buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Mơ (Công ty Cổ phần Sài Sơn) hỏi: “Tôi được biết, Luật Thủ đô năm 2024 có rất nhiều điểm mới, vậy xin hỏi chuyên gia, có điểm mới nào ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động không?”.
Tư vấn cho người lao động, bà Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ: Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành năm 2025 có rất nhiều điểm mới, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trong đó, nổi bật là hưởng quyền lợi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức…
Theo khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, tổ chức dưới đây thì được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc: Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do Thành phố quản lý. Trong đó, quy định mức chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Ngoài ra, người lao động còn được hưởng nhiều chế độ, chính sách liên quan đến an sinh xã hội. Luật Thủ đô 2024 cũng có những quy định bố trí ngân sách giảm nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề; hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện 100% cho hộ nghèo, tối thiểu 60% cho hộ cận nghèo, 20% so với các đối tượng khác; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách về y tế, giáo dục…
Thành phố cũng bố trí ngân sách phù hợp để thực hiện những việc như trên. Theo đó, người lao động cũng sẽ được thụ hưởng an sinh xã hội, thụ hưởng kết quả phát triển hạ tầng giao thông…