Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn 'khát' vốn trong quá trình thực thi tận dụng FTA?
Tham gia FTA mở ra cơ hội lớn, nhưng ngành ngân hàng cần đào tạo chuyên gia FTA để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các hiệp định này.
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc nâng cao hợp tác kinh tế và dỡ bỏ các rào cản thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao thương giữa các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội này, các FTA cũng đem đến không ít thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Cạnh tranh với các tổ chức tài chính quốc tế, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tài chính Việt Nam và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính là những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.
Để thúc đẩy hội nhập tài chính trong bối cảnh các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ nhân lực có kiến thức vững vàng về các FTA, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp trong việc đào tạo chuyên gia FTA trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của tổ chức tài chính Việt Nam đối với các định chế tài chính quốc tế trong quá trình hội nhập.
Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - về vai trò của đào tạo nhân lực hiểu biết về FTA đối với ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam với nhiều chương trình hấp dẫn. Riêng đối với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tận dụng FTA, ông có thể cho biết, ngành ngân hàng đã có những chương trình cụ thể như thế nào? Hiện, tổng dư nợ tín dụng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tận dụng FTA chiếm khoảng bao nhiêu % tổng dư nợ của ngành ngân hàng, thưa ông?
Lĩnh vực xuất nhập khẩu được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành kinh tế. Đặc biệt, ngành này đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi, điển hình là hỗ trợ về lãi suất và các cơ chế, chính sách khác. Tuy nhiên, dù có nhiều giải pháp hỗ trợ, tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu hiện nay vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc khối FTA.
Theo số liệu thống kê, dư nợ tín dụng dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khối FTA chỉ đạt khoảng hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 2,05 - 2,1% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây là mức rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khi họ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút nguồn ngoại tệ.
Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, như cho vay tín chấp dựa trên uy tín, bảo lãnh bằng hàng hóa hoặc thư tín dụng (ELC), thay vì yêu cầu tài sản thế chấp. Những chính sách này nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, cả từ phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Điều này đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn để thúc đẩy tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại của quốc gia.
Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp cận vốn và tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tận dụng FTA?
Có thể nói rằng, yếu tố vốn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, việc tiếp cận vốn để phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các cơ chế cho vay với lãi suất thấp và chương trình hỗ trợ khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất chỉ khoảng 3,7%, một mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mặc dù có những chính sách ưu đãi như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Câu hỏi đặt ra là, dù lãi suất thấp như vậy, tại sao doanh nghiệp lại không thể tiếp cận được vốn? Một phần lý do nằm ở yêu cầu tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ có thể thế chấp bằng hợp đồng xuất khẩu hoặc chứng từ hàng hóa, điều này sẽ giúp họ tiếp cận vốn dễ dàng hơn nếu có sự hợp tác với các ngân hàng uy tín. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể vay được vốn, dù cơ hội có sẵn.
Một vấn đề quan trọng cần giải quyết là việc thiếu hiểu biết và thông tin về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp chưa đủ hiểu biết về yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, như chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và các quy định về thuế, khiến họ không thể đáp ứng các yêu cầu từ ngân hàng để vay vốn. Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin về các thị trường mục tiêu cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất chậm, gần như không tăng trưởng, thậm chí giảm nhẹ so với năm trước. Điều này cho thấy, mặc dù ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội từ các FTA. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cơ chế, chính sách, từ đó tận dụng cơ hội xuất khẩu hiệu quả hơn. Chính phủ cũng cần xem xét kiện toàn lại các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như các quỹ bảo lãnh, để giúp các doanh nghiệp nhỏ tận dụng tối đa cơ hội từ FTA, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông, đâu là lý do chính đằng sau tồn tại liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn và tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA của Việt Nam?
Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất quan điểm rằng, muốn kinh doanh mặt hàng nào, phải nắm rõ mặt hàng đó. Chẳng hạn, nếu làm kế toán tại ngân hàng, phải hiểu rõ khách hàng của mình và sản phẩm họ kinh doanh, từ đó mới có thể theo dõi và cho vay đúng cách. Đây không phải là vấn đề mới, mà đã tồn tại từ lâu. Tôi tin rằng, các ngân hàng hiện nay đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong chuyển đổi số. Ngành ngân hàng của nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ.
Việc chuyển đổi số trong ngân hàng hiện nay đã mang lại trải nghiệm rất tiện ích cho người dân, đồng thời cũng giúp quản lý, xác định nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, từ đó phục vụ họ tốt hơn. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là đào tạo, cả với cán bộ ngân hàng và doanh nghiệp. Các cán bộ ngân hàng không chỉ cần đào tạo chuyên sâu về tín dụng, mà còn phải hiểu rõ các FTA và quy định quốc tế để có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với việc đào tạo cán bộ ngân hàng, việc hiểu rõ về các hiệp định FTA rất cần thiết, vì mỗi hiệp định lại có những quy định khác nhau. Điều này yêu cầu cán bộ ngân hàng phải nắm vững các quy chế, để có thể hỗ trợ khách hàng chính xác. Nếu không, sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề, đặc biệt là trong những giao dịch xuất nhập khẩu.
Một vấn đề quan trọng nữa là việc phòng, chống rửa tiền trong ngân hàng, hiện đang được quan tâm rất nhiều. Các ngân hàng đã triển khai những biện pháp phòng ngừa rửa tiền rất bài bản và đào tạo cán bộ rất nghiêm túc để đáp ứng yêu cầu này.
Tôi rất mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, để tổ chức đào tạo cho cán bộ ngân hàng, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn và phát triển thuận lợi hơn. Việc đào tạo cán bộ, đặc biệt là trong việc hiểu và chia sẻ các quy định về FTA, là rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tôi hy vọng, sẽ có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa các bên, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp và ngân hàng.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng, nhất là chuyên sâu về các nội dung, kiến thức liên quan đến FTA? Theo ông, điều này hỗ trợ như thế nào cho các ngân hàng trong việc tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tín dụng để tận dụng FTA?
Đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng đối với mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong nền kinh tế và ngành ngân hàng. Để phát triển bền vững, không tổ chức nào có thể thiếu công tác đào tạo. Trong ngành ngân hàng, việc đào tạo cán bộ là điều bắt buộc, không thể bỏ qua. Các nội dung đào tạo cần chú trọng cả về đạo đức và chuyên môn. Về đạo đức, Hiệp hội Ngân hàng đã ban hành bộ chuẩn mực đạo đức, chuyển hóa thành văn hóa doanh nghiệp. Các ngân hàng phải xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức riêng cho tổ chức mình. Ngoài ra, các cán bộ ngân hàng cũng cần được đào tạo chuyên môn ngay từ khi tuyển dụng. Họ phải học và thực hành, từ kế toán đến tín dụng, để đáp ứng yêu cầu công việc.
Việc đào tạo không chỉ cần thiết để nâng cao kỹ năng mà còn giúp phát triển sự nghiệp của từng cá nhân và cả ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản, vì không phải tất cả các cán bộ đều phù hợp với công việc ngay từ đầu. Các ngân hàng phải tuyển chọn kỹ càng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Ngoài ra, cần có sự đào tạo đặc biệt về cách thức và thái độ đối với việc trả nợ. Các ngân hàng ở châu Âu có cách thức xử lý nợ xấu rõ ràng, nhưng ở Việt Nam, cán bộ ngân hàng phải đối mặt với áp lực khi xử lý nợ xấu, đôi khi dẫn đến mất việc và khó khăn trong giải quyết tài sản.
Đào tạo trong doanh nghiệp cũng không kém phần quan trọng. Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn và đào tạo để nắm bắt cơ hội xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực sản xuất. Chính phủ và Bộ Công Thương cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ có thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do.
Việc nâng cao năng lực cán bộ ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải tập trung vào việc đào tạo và phát triển đội ngũ, đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Xin cảm ơn ông!