Vietnam Airlines sẽ hoãn họp đại hội cổ đông đến tháng 10
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) thông báo vẫn đang hoàn thiện các tài liệu để báo cáo cổ đông và dự kiện tổ chức họp thường niên vào tháng 10.
Vietnam Airlines có văn bản gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) hôm 22/8 và thông báo đang hoàn thiện các tài liệu để báo cáo cổ đông và dự kiện tổ chức họp thường niên vào tháng 10. Trước đó, hôm 11/8, HoSE tiếp tục giục doanh nghiệp này công bố thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2022, báo cáo soát xét bán niên 2023.
Vietnam Airlines cho biết đang nỗ lực cùng các công ty kiểm toán độc lập khẩn trương hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Công ty dự kiến công bố báo cáo này và báo cáo soát xét bán niên 2023 vào cuối tháng 8, muộn nhất trong tháng 9.
Đồng thời, hãng thông tin sẽ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu báo cáo đại hội đồng cổ đông và dự kiến tổ chức phiên họp thường niên trong tháng 10. Ban đầu, Vietnam Airlines định tổ chức phiên họp này vào cuối tháng 6 nhưng hoãn cho đến nay.
Theo Luật Doanh nghiệp, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên phải diễn ra trong 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, HĐQT có thể quyết định gia hạn phiên họp này trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ lúc hết năm tài chính.
Một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 là căn cứ để HoSE xem xét việc duy trì niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Hồi tháng 2, HoSE cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, đến hết năm ngoái, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ của công ty âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines lỗ 14 quý liên tiếp: Trong quý II, HVN ghi nhận doanh thu thuần 20.565 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái, nhờ sản lượng vận chuyển tăng 23,6% do thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Doanh thu tăng phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch. Trừ giá vốn, công ty cũng có lãi gộp 929 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 368 tỷ đồng.
Trong kỳ, HVN ghi nhận chi phí tài chính giảm 37% svck, còn 723 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 45% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7%, lên tương ứng 959 tỷ đồng và 497 tỷ đồng.
Kết quả, công ty lỗ ròng 1.294,6 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 14 liên tiếp.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 44.059 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47% svck, nhưng lỗ ròng 1.465 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 5.168 tỷ đồng).
Nếu tính cả mức lỗ của quý II vừa qua, tổng lỗ 14 quý liên tiếp của HVN đã lên tới xấp xỉ 36 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 16 nghìn tỷ đồng vào cuối quý II, tăng 2,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.
Cùng với việc chậm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, công ty vẫn đang bị cảnh cáo và hạn chế giao dịch cổ phiếu. Nếu sau kiểm toán, HVN vẫn lỗ trong năm 2022, công ty sẽ chính thức ghi nhận 3 năm liên tiếp thua lỗ và có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.