7 tháng: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê ban hành sáng 29/7, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Ảnh: QN |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%.
Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 31,4%; thép cán tăng 17,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; sữa bột tăng 12,3%; đường kính tăng 12,0%; linh kiện điện thoại tăng 11,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí và khí hóa lỏng LPG cùng giảm 16,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; bia giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 3,2%; alumin giảm 3,1%; sắt, thép thô giảm 1,6%.
Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ
Chia sẻ về kết quả trên, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, mặc dù đạt kết quả tăng trưởng khả quan trong 7 tháng năm 2024, tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Có thể thấy, dù đã được cải thiện song nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
“Mặt khác, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2023, như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) đã phục hồi song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022”- ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra và cho hay, trong 5 tháng cuối năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa - chính trị, cạnh tranh nước lớn dự báo ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn có thể diễn ra. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (châu Âu, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.
Do đó, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho ngành Công nghiệp.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu giải pháp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như: Dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Chúng tôi sẽ thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng tập trung tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; tiếp tục tìm kiếm thị trường mới cho những ngành hàng xuất khẩu chủ lực...