Chờ số liệu mới của Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á yên ắng
Trong phiên 27/2, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á yên ắng khi chờ các số liệu kinh tế của Mỹ. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đà tăng, vẫn do những lo ngại về nguồn cung và giá vàng cũng được tiếp sức khi đồng USD xuống giá.
Chứng khoán im ắng chờ số liệu mới
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á im ắng sau khi lập kỷ lục trong tuần trước, khi các nhà giao dịch chờ các số liệu kinh tế của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này để có thêm cơ sở nhận định về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng, nhờ đồng yen giảm và hoạt động mua vào sau khi chứng khoán Mỹ phục hồi. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Sydney cùng tăng. Các thị trường Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul, Taipei, Singapore, Jakarta, Bangkok, Manila và Wellington cùng giảm.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,01%, hay 5,81 điểm, lên 39.239,52 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,1%, hay 10,89 điểm, lên 16.645,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,1%, hay 4,19 điểm, xuống 2.972,83 điểm.
Sự phục hồi của các thị trường trong tuần trước, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên lập kỷ lục, là nhờ báo cáo lợi nhuận từ tập đoàn sản xuất chip Nvidia của Mỹ.
Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 26/2, và các thị trường châu Á bước vào tuần này với tâm lý thận trọng hơn.
Các nhà đầu tư đang chờ số liệu về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân mà Fed ưu tiên theo dõi để đánh giá tình hình lạm phát cũng như các phát biểu từ một số quan chức Fed trong hai ngày 28/2 và 1/3.
Các dự báo về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất dần được lùi sang nửa cuối năm, khi số liệu lạm phát vượt dự kiến và các nhà hoạch định chính sách của Fed cần thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát hướng đến mức mục tiêu 2%.
Giá dầu tiếp tục đà tăng
Giá dầu tiếp tục đà tăng, khi các cuộc tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ gây lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 36 xu Mỹ, hay 0,44%, lên 82,89 USD/thùng vào lúc 14 giờ 45 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ tăng 31 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 77,89 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore tại IG in Sydney, những lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa trên Biển Đỏ đã đẩy giá dầu lên, dù việc Fed hiện duy trì lãi suất cao gây sức ép lên nhu cầu.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu trên Biển Đỏ đã làm tăng giá cước vận chuyển hàng hóa và kéo dài thời gian vận chuyển.
Ngày 26/2, Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết lực lượng này đã phóng tên lửa vào tàu chở dầu của Mỹ trên vịnh Aden vào ngày 24/2, nhưng đã trượt mục tiêu.
Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel đã nhất trí dừng các hoạt động quân sự trên Dải Gaza trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, khi lực lượng Hamas xem xét đề xuất ngừng bắn.
Giá vàng được tiếp sức
Giá vàng tăng trong phiên này, khi đồng USD xuống giá, trong lúc các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần, cùng số liệu và các phát biểu từ các quan chức Fed để nhận định về thời điểm hạ lãi suất.
Giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 2.033,34 USD/ounce vào lúc 13 giờ 20 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2%, lên 2.043 USD/ounce.
Đồng USD xuống giá giúp vàng tương đối rẻ hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.
Những phát biểu gần đây của các nhà hoạch định chính sách của Fed cho thấy Fed sẽ không sớm hạ lãi suất.
Các thị trường hiện dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 79 điểm cơ bản trong năm 2024, với 61% khả năng lần hạ đầu tiên là vào tháng 6/2024.