A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu vốn hóa siêu lớn tiếp sức cho thị trường chứng khoán Mỹ tuần tới

Trong bối cảnh những chấn động trong lĩnh vực ngân hàng liên tục diễn ra, các nhà đầu tư Mỹ đang dựa vào một chiến lược cũ để điều hướng sự biến động giá tài sản hiện nay - đó là mua cổ phiếu của các công ty vốn hóa siêu lớn (megacap) của Mỹ.

Giá cổ phiếu của 5 công ty hàng đầu Phố Wall tính theo giá trị thị trường - Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Nvidia - đã tăng từ 4,5% đến 12% kể từ ngày 8/3, khi những rắc rối tại ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) làm rung chuyển hệ thống ngân hàng. Trong khoảng thời gian đó, chỉ số chứng khoán S&P 500 đã giảm 0,5%.

Cổ phiếu megacap đang hấp dẫn nhà đầu tư nhờ bảng cân đối kế toán khoẻ mạnh, tỷ suất lợi nhuận cao và mô hình kinh doanh dự kiến sẽ trụ vững tốt hơn nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Sự sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn đã gây áp lực cho giá cổ phiếu tăng trưởng trong năm ngoái, cũng góp phần tiếp sức cho giá của các cổ phiếu megacap trong năm 2023.

Cổ phiếu megacap đã dẫn đầu đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính và là trụ cột cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Phố Wall sau đợt bán tháo vào đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ đã sụt giảm vào năm 2022 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Sự phục hồi của cổ phiếu megacap trong năm nay đã tăng tốc khi những lo ngại về hệ thống ngân hàng gia tăng và tỷ trọng kết hợp của Apple và Microsoft trong chỉ số S&P 500 gần đây đã tăng lên 13%. Theo Todd Sohn, chiến lược gia tại công ty tư vấn Strategas, tỷ lệ trên là mức cao nhất trong hơn 30 năm của hai cổ phiếu hàng đầu trong chỉ số này.

Tỷ trọng của 5 cổ phiếu megacap hàng đầu trong S&P 500 đã tăng lên 21,7% từ mức 18,8% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, sức mạnh của các cổ phiếu này cũng có thể là nhược điểm. Vốn hóa thị trường ngày càng tăng của cổ phiếu megacap có nghĩa là chỉ số S&P 500 ngày càng bị chi phối bởi một số ít cổ phiếu và điều đó có thể gây ra biến động lớn trên thị trường chứng khoán nếu tình hình thay đổi và nhà đầu tư vội vàng bán tháo cổ phiếu của những “ông lớn" công nghệ này.

Theo Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Truist Advisory Services, các nhà đầu tư cho rằng các công ty công nghệ đang ở một vị thế tốt hơn để vượt qua giai đoạn bất ổn này. Tuy nhiên, khi quan điểm số đông đột ngột chuyển hướng, sự đảo ngược mạnh mẽ có thể diễn ra rất nhanh.

Sức mạnh của các cổ phiếu megacap cũng che đậy những rủi ro khác. Các thước đo về độ rộng thị trường (mà các nhà phân tích kỹ thuật thường dùng để đo đạc sức khỏe thị trường) đã trở nên tiêu cực hơn, trong khi chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 5% kể từ tháng Ba.

Tuần tới, dự kiến thị trường sẽ chứng kiến nhiều biến động hơn trong lĩnh vực ngân hàng, sau khi cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu như Deutsche Bank (Đức) và UBS (Thụy Sỹ) giảm mạnh trong phiên 24/3. Các số liệu sắp công bố về niềm tin người tiêu dùng và lạm phát tại Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật