Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/10
Tỷ giá trung tâm giảm trở lại; thị trường chứng khoán phục hồi với VN-Index tăng 26,12 điểm (+2,42%)... đó là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 5/10.
Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ phiên 5/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.417 VND/USD, giảm nhẹ 6 đồng so với phiên trước đó. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay được niêm yết không đổi ở mức 23.925 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 23.875 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên 4/10. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.100 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 5/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,53 - 0,77 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 8,35%; 1 tuần 8,38%; 2 tuần 8,15% và 1 tháng 8,07%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,06 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 3,12%; 1 tuần 3,28%; 2 tuần 3,42%, 1 tháng 3,55%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 4,68%; 5 năm 4,71%; 7 năm 4,77%; 10Y năm 4,88%; 15 năm 4,93%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 19.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 6,5%; có 999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, cũng không có khối lượng đáo hạn hôm qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 19.000 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 36.702,5 tỷ VND, tín phiếu giữ ở mức 45.398,8 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu ngày 5/10, kho bạc nhà nước huy động thành công 5.075/6.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 78%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.575/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 3,3%/năm và 3,6%/năm, tăng khoảng 0,3%/kỳ hạn so phiên trước.
Thị trường chứng khoán hôm qua có một phiên phục hồi với cả 3 sàn tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 26,12 điểm (+2,42%) lên 1.104,26 điểm; HNX-Index thêm 6,51 điểm (+2,76%) thành 242,12 điểm; UPCoM-Index tăng 1,41 điểm (+1,71%) lên mức 83,79 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trên 10.600 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 222 tỷ đồng.
Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2022 và dự báo quý IV/2022 vừa được UOB phát hành, UOB đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức 7% được ngân hàng này đưa ra trước đó. Dù chưa chắc chắn về mức độ và thời gian của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới, UOB tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định khi nhu cầu từ các thị trường chính tiếp tục chậm lại. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2023 dự kiến đạt 6,6%.
Tin quốc tế:
WTO đã hạ triển vọng thương mại toàn cầu. Trong báo cáo vừa công bố, WTO dự báo dòng chảy thương mại sẽ mất dần đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2022, sau đó tiếp tục trầm lắng trong 2023.
Cụ thể, giá trị thương mại toàn cầu sẽ tăng 3,5% trong năm nay (+0,5 điểm phần trăm so dự báo tháng 4/2022) và chỉ tăng 1,0% trong năm sau (-2,4 điểm phần trăm).
Về kinh tế, WTO dự báo GDP thế giới tăng 2,8% năm 2022 (0,0 điểm phần trăm) và giảm tốc còn 2,3% năm 2023 (-0,9 điểm phần trăm).
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng thị trường đang đối mặt với khủng hoảng đa chiều, thêm vào đó các nước áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ càng gây thêm áp lực đến mọi lĩnh vực kinh tế. Ở kịch bản tiêu cực hơn, thương mại toàn cầu có thể suy giảm 2,8% trong năm 2022, song cũng có thể tăng tới 4,6% nếu các yếu tố tích cực hơn dự báo.
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,7 điểm trong tháng Chín, giảm nhẹ từ 56,9 điểm của tháng 8, song vẫn cao hơn so với dự báo ở mức 56,0 điểm. Đây là tháng thứ 28 liên tiếp có PMI dịch vụ trên mức trung tính, kể từ sau khi rơi xuống tiêu cực ở tháng 4-5/2020.
Cộng hòa Zcech cho biết EU đã nhất trí về biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong việc gây chiến tại Ukraine. Các biện pháp lần này bao gồm cấm các nước thành viên EU nhập khẩu các sản phẩm thép, gỗ, giấy và một số hàng hóa khác từ Nga, đồng thời cấm cung cấp các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ áp dụng giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.