Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển
Từ đầu năm 2024 đến nay, bức tranh kinh tế Đồng Tháp phát đi nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực, trong đó, ngành hàng sen là điểm nhấn.
Bức tranh kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thuỷ sản ổn định, hầu hết người sản xuất đều có lợi nhuận. Nhiều chủ trương, chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải... đã tạo điều kiện để thực hiện nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năng lực sản xuất công nghiệp gia tăng, tạo ra nguồn cung hàng hoá và nguyên liệu khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: Y Du |
Nhiều tín hiệu khả quan đến từ sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu (đạt 127,6% so với kế hoạch) tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng 11 và tháng 12. Các chỉ tiêu ngành du lịch, xuất khẩu tăng trưởng khá tốt, nhất là sự phục hồi của sản phẩm ngành may, bánh phồng tôm.
Theo đó, GRDP của tỉnh ước tính cả năm 2024 tăng 6,44% so với năm 2023 (kế hoạch tăng 7,5%), xếp hạng 48 toàn quốc và thứ 11 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư công của tỉnh (kể cả vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang) là 7.137,083 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 25/11/2024 đạt 63,46% và đạt 66,21% so với Thủ tướng Chính phủ giao.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 ước tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng trưởng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 ước đạt 12.074 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ; luỹ kế 11 tháng ước đạt 128.607 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 88,6% so với kế hoạch. Tổng thu du lịch ước thực hiện tháng 11/2024 là 150 tỷ đồng, luỹ kế 11 tháng năm 2024 là 2.020 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 101% so với kế hoạch.
Các chỉ tiêu văn hoá, xã hội, môi trường được chú trọng thực hiện, đạt kết quả tốt. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, số người được giải quyết việc làm gia tăng, trong đó xuất khẩu lao động đạt 112,5% so với chỉ tiêu phân bổ.
Nỗ lực đưa ngành kinh tế sen vươn xa
Sen là 1 trong 5 ngành hàng được lựa chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng từ năm 2022. Tính đến thời điểm tháng 6/2024, toàn tỉnh có 1.800ha trồng sen tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông,... Trong đó, huyện Tháp Mười là địa phương có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% so với tổng diện tích trồng sen của tỉnh. Ngành hàng sen được kỳ vọng là đòn bẩy mới trong phát triển kinh tế - xã hội của Đất Sen hồng.
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, ở huyện Tháp Mười cho biết, nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, chị đã nghiên cứu cách nấu sữa hạt sen để phát triển kinh tế. Hiện mỗi ngày chị cho ra lò khoảng 1.300 chai sữa sen tươi, mang về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Chị Thúy dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến sâu như sữa sen dạng bột.
Công nhân ướp trà sen trên cánh đồng tại vùng nguyên liệu sen của Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười). Ảnh: Mỹ Lý |
Đầu tháng 5 vừa qua, Đồng Tháp vui mừng chào đón sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên sản phẩm củ sen của tỉnh nhà được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới khi mặt hàng nông sản của Đồng Tháp được xuất khẩu sang một thị trường “khó tính”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (đơn vị thực hiện xuất khẩu lô củ sen đầu tiên của Đồng Tháp sang thị trường Nhật Bản), cho biết: “Hiện nay, nhu cầu từ thị trường đối với sản phẩm củ sen là rất lớn. Cụ thể, thị trường Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ khoảng 90 – 100 nghìn tấn/năm và thị trường Trung Quốc khoảng 2 - 3 triệu tấn củ sen/năm... Hiện tại, ngoài lô hàng củ sen xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Công ty đang xúc tiến với các đối tác ở Hàn Quốc, Trung Quốc để tiếp tục đưa sản phẩm củ sen xuất khẩu sang 2 thị trường lớn này...”.
Ngoài thị trường Nhật Bản, thời gian qua, các sản phẩm được chế biến từ hạt sen như: hạt sen đóng hộp, hạt sen đông lạnh, hạt sen sấy... cũng được đơn vị xuất khẩu mạnh sang các thị trường Singapore, Hà Lan...
Ở thị trường nội địa, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp cũng được đón nhận mạnh mẽ ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau như nhóm ngành F&B hay các sản phẩm thuần chay. Tuy nhiên, để có thể khai thác được tối đa những giá trị tiềm năng của cây sen, hiện các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nhiều giải pháp về đẩy mạnh phát triển chế biến sâu ở lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Nông dân thu hoạch củ sen tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Ảnh: Mỹ Lý |
Thông tin về sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng sen trong 2 năm qua, bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, so với trước đây, doanh nghiệp, người nông dân trong ngành hàng sen ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, nhạy bén trong việc nắm bắt các xu thế tiêu dùng mới của thị trường để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Chính vì vậy, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp không ngừng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
“Hiện, Đồng Tháp có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ sen, trong đó, tỉnh có 56 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên và đặc biệt có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là Hạt sen sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp”, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay, tỉnh đang tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như: Hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.
Tỉnh cũng phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất một sản phẩm chiết xuất từ sen. Các mô hình được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.