A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế năm 2024

Ngày 6/12, tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023: Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Đồng thời, các chuyên gia của CIEM cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024, từ 5,5-6,5%.

 

gdp-vn-16800568386402096912964.jpg

Nỗ lực vượt khó, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước

Đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Hữu Thọ đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 như thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động trầm lắng, trong 9 tháng năm 2023 chỉ có 51 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ 2022.

Tương tự, thị trường bất động sản cũng không lạc quan hơn khi cơ cấu hàng chưa phù hợp, thừa hàng ở những phân khúc cao, nhưng lại thiếu hàng ở phân khúc thấp.

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế tuy cao (dự báo 5,19%), nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%, điều này ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.

Bên cạnh đó, nguyên nhân ngoài những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm và lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hoá… kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập. Còn hiện tượng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa một số quy định pháp luật, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn chậm, chưa quyết liệt, kịp thời.

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Hồng Minh cho biết, năm 2023, mặc dù, đại dịch COVID-19 đã được khống chế tuy nhiên, hậu quả đại dịch để lại vẫn rất nặng nề, đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Mặt khác, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến các sản phẩm xanh, sản xuất xanh đã đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023, cũng như trong những năm tiếp theo.

Cùng với những khó khăn nêu trên, trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cũng nhận định, năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế các nước. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương ở khắp các nước trên thế giới đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm, điều này kéo theo những hệ luỵ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về cầu thị trường, cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để giảm bớt những khó khăn thách thức này và kiểm soát lạm phát…

Nhờ những nỗ lực đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là chỉ tiêu về đầu tư công. Tính chung 11 tháng đã giải ngân 461 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cùng với đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.

Tăng trưởng kinh tế cũng theo hướng quý sau cao hơn quý trước, ước tăng trưởng GDP quý IV/2023 đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III/2023 là 5,23%; quý II/2023 là 4,05% và quý I/2023 là 3,28%.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Hữu Thọ nêu 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024. Trong đó, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%. Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB: 5,5%; IMF: dự báo 5,8%; ADB: 6%).

Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần; xuất hiện một số đầu tàu mới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa) nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.

Nhóm nghiên cứu đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

Về giải pháp thời gian tới, các chuyên gia khẳng định Việt Nam sẽ phải nỗ lực để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị. Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới…

Theo trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng… đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu…

“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…”, ông Ramla Khalidi phân tích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan