A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ để các địa phương thực thi hiệu quả FTA

Theo thống kê, tỉ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh tại các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như châu Âu, Canada, Mexico còn khiêm tốn. Có những tỉnh chưa đến 10%, còn có những tỉnh nhiều hơn khoảng 20%. Do đó, cần phải có hướng đi cụ thể để giúp các tỉnh tận dụng hiệu quả các FTA này.

Cần có điều phối để các địa phương liên kết thực hiện hiệu quả FTA. (Ảnh minh họa)

Các địa phương đã có nhiều nỗ lực

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW - CIEM) đánh giá, hiện giữa các địa phương có mức độ khác nhau trong các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), nhưng các địa phương đều đã có những kế hoạch để hỗ trợ cho DN trong việc thực hiện các FTA, trong đó tập trung vào các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với các Bộ, ngành, chuyên gia để cung cấp những thông tin trực diện, liên quan đến DN trên địa bàn, tập trung vào những vấn đề liên quan đến cơ hội, thách thức, khả năng tận dụng các FTA cũng như những thông tin bên lề liên quan đến những xu hướng mới có thể ảnh hưởng trong quá trình thực hiện các FTA gần đây; Chưa kể, nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện các hoạt động kết nối DN, bao gồm cả hoạt động kết nối giữa các DN trong nước với nhau và kể cả DN trên địa bàn của mình với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngoài ra, theo ông Dương, ở khu khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh có các khu công nghiệp tập trung quy mô thì những tỉnh đó có những tiếp cận về đào tạo, về hướng dẫn cho DN, về những quy định mới trong các FTA, trong hoạt động xuất khẩu rồi kết nối thị trường mạnh mẽ và có bài bản hơn là những địa phương có ít khu công nghiệp hoặc có ít DN FDI.

Ở miền Bắc, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ DN thực thi các FTA. 2 năm nay, Vĩnh Phúc đều có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng DN trên địa bàn và có những buổi đào tạo, kết nối DN rất cụ thể với những “ông lớn” FDI lớn và có những đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho DN trong việc nâng cấp nhà máy thông minh, nâng cấp quy trình của DN để có thể hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ cao hơn.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp CIEM đánh giá, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực giúp DN thực thi FTA nhưng còn một số điểm có thể cần phải cải thiện hơn. Trong đó, nhấn mạnh đến chất lượng của các hoạt động thông tin tuyên truyền. Bởi mỗi địa phương với những điều kiện khác nhau, khả năng mời được chuyên gia cũng rất hạn chế. Vì vậy, mỗi khi mời được, địa phương đều cố gắng tranh thủ để các đối tượng tham gia được nhiều nhất có thể, bao gồm cả công chức, DN… Do đó, nội dung truyền đạt cũng ở mức vừa phải để bảo đảm cả DN, cả cơ quan quản lý cũng có thể tiếp cận được…

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, độ sâu của các hoạt động tuyên truyền chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. “Đó cũng là lý do tại sao khi chúng tôi thường rất lo về vấn đề đại biểu tham gia khi tổ chức các hội nghị. Bởi vì điều mà chúng tôi cần hướng đến là những người chủ DN, những người có quyền quyết định. Họ sẽ là người chuyển hóa những thông tin đó trở thành những chính sách, những định hướng để DN phát triển mạnh hơn. Thế nhưng, thực tế chúng ta thấy rằng nhiều hội nghị, hội thảo không có đại diện của lãnh đạo DN đến” - ông Khanh chia sẻ.

Đáng chú ý, ông Khanh cho biết, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng một kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lấy ý kiến các Bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị được thời gian tới sẽ làm những gì để thực thi hiệu quả FTA. Các Bộ, ngành, địa phương sẽ cùng phối hợp với nhau như thế nào để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề DN cần quan tâm.

“Chúng tôi hy vọng rằng kế hoạch này sẽ có định hướng rõ ràng hơn, tuyên truyền cụ thể hơn, trúng hơn, sát hơn với các nhu cầu của DN. Đồng thời sẽ giúp chúng ta xây dựng, kết nối hệ sinh thái để làm sao cho các tỉnh chia sẻ với nhau để không mạnh tỉnh nào tỉnh ấy phát triển” - ông Khanh nói.

Ví dụ, tỉnh Lai Châu có tiếng về chè và Lai Châu rất muốn xây dựng một thương hiệu về chè. Nhưng điều cần chú ý là ở Việt Nam có những tỉnh, như Lào Cai cũng muốn làm về chè, Sơn La hoặc Phú Thọ cũng muốn và mỗi tỉnh sẽ có một chính sách riêng của họ. Theo ông Khanh, nếu mà mỗi tỉnh, thành đều có chính sách riêng để phát triển, thậm chí, các tỉnh còn có ý định cạnh tranh với nhau thì rất nguy hiểm.

Do đó, kế hoạch sẽ giúp cho 4 tỉnh ngồi lại với nhau và tìm ra giải pháp. Bởi vì sẽ có những tỉnh đã có những DN đã xây dựng thương hiệu riêng xuất khẩu sang các thị trường FTA. Điều này đồng nghĩa với việc các tỉnh còn lại nên xem xét theo hướng tham gia trong chuỗi cung ứng của DN. “Thay vì là cạnh tranh nhau thì chúng ta sẽ tập trung để phối hợp với nhau để đi lên” - ông Khanh gợi ý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan