A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam 2023: Cần sẵn sàng nhiều giải pháp

Tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu tới 3,6 tỷ USD nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lại giảm 17% so với tháng trước đó và giảm 25% so với cùng kỳ. Điều này càng khẳng định những khó khăn và áp lực mà kinh tế Việt Nam phải đối diện trong năm 2023 sẽ vô cùng lớn…

Áp lực từ đủ 3 “chân kiềng” phát triển

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập kỷ trước đại dịch; Cùng với đó, nhiều khó khăn, thách thức từ năm 2022 vẫn còn kéo dài và chưa thể kết thúc sớm, các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… vẫn tiếp tục tập trung xử lý những khó khăn nội tại của mình và chỉ có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đến từ cả 3 kênh, vốn được coi là “chân kiềng” phát triển kinh tế. Bao gồm kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm, tác động đến xuất khẩu; Kênh đầu tư quốc tế khi lãi suất thế giới tăng khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài, tạo ra sự giảm sút về giá trị đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Và kênh tài chính tiền tệ tạo ra áp lực mất giá đối với đồng tiền Việt Nam, khiến cho nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao hơn và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy của lạm phát và suy thoái thì Việt Nam vẫn vững vàng vượt lên và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2022 là một nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên, dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức của vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động, ảnh hưởng đồng thời của chiến tranh và dịch bệnh.

Theo ông Cường, trước đây, khủng hoảng kinh tế thế giới thường bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ở một trung tâm sau đó lan ra thế giới và chuyển thành khủng hoảng kinh tế, thì nguy cơ lần này lại bắt nguồn từ chính đứt gãy các chuỗi sản xuất làm khủng hoảng từ kinh tế; Đồng thời với khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

“Làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần phải tìm ra lời giải” - ông Cường chia sẻ. Do đó, ông Cường cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, dùng chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Chuẩn bị tình huống đối tác thương mại sẽ khó tính hơn

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng đánh giá, năm 2023 sẽ phức tạp hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu nhiều khó khăn. Do đó, cần phải chuẩn bị kịch bản tăng trưởng xấu hơn với những dự báo khó khăn và suy thoái toàn cầu; Chuẩn bị cho tình huống các đối tác thương mại sẽ khó tính hơn đặc biệt là các nước đang gắn với xu thế chuyển đổi xanh như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cũng sẽ khó tính hơn; Chưa kể các khó khăn liên quan đến những điều kiện thương mại và phi thương mại.

“Chúng ta phải chuẩn bị quá trình cho một cuộc chơi khắt khe hơn với nhiều yếu tố chính trị hơn. Khuôn khổ luật lệ thương mại sẽ có sự khác biệt rất rõ như ít tự do hóa hơn, thay đổi mạnh mẽ hơn gắn với chuyển đổi xanh và vấn đề lao động. Chuyển đổi căn bản về sản xuất tiêu dùng, gắn với cạnh tranh địa chính trị các nước, sẽ phức tạp hơn rất nhiều” - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đánh giá, năm 2023 sẽ gặp khó khăn về thị trường và nhiều vấn đề khác, cần tập trung giải quyết khó khăn về chuỗi cung ứng, chi phí logistics để tăng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Bộ NN&PTNT sẽ có nhiều hoạt động để gia tăng hiệu quả cho thị trường nông sản nhưng cũng đứng trước áp lực về phòng vệ thương mại gia tăng nhiều hơn ở các thị trường truyền thống. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nam cũng cần phải tìm ra cơ chế để hài hòa lợi ích xuất khẩu - nhập khẩu vì hiện nay, nhiều thị trường có khối lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan