A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thị trường xuất khẩu Đông Nam Bộ: Cần xây dựng thương hiệu chung 4 mặt hàng chủ lực

Hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Vùng Đông Nam Bộ (gồm TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh) được đánh giá là một trong những vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước.

Trong đó, các tỉnh này đóng góp 32% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Hiện vùng Đông Nam Bộ thu hút vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) lớn nhất chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước, khẳng định vị thế vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước.

Phát triển thị trường xuất khẩu Đông Nam Bộ: Cần xây dựng thương hiệu chung 4 mặt hàng chủ lực
Hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu. Một số nhóm ngành hàng đã ghi nhận có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là điện tử, máy móc và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và các sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản, rau củ quả và cà phê.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ được tổ chức mới đây, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết: Hoạt động xuất khẩu ,hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống. Đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Cũng theo bà Phan Thị Khánh Duyên, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Đó cũng là thực trạng chung của các ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Thống kê từ Bộ Công Thương chỉ rõ, có đến 70%-80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô. Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt nhiều nhưng chỉ là “made in Viet Nam”. Còn thương hiệu là của doanh nghiệp ngoại.

Phát triển thị trường xuất khẩu Đông Nam Bộ: Cần xây dựng thương hiệu chung 4 mặt hàng chủ lực
Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt nhiều nhưng chỉ là “made in Viet Nam”. Còn thương hiệu là của doanh nghiệp ngoại (ảnh minh họa).

Các chuyên gia kinh tế và các địa phương vùng Đông Nam Bộ cho rằng, trong giai đoạn mới, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong vùng. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam Bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần định vị hành Việt trên trường quốc tế, nâng cao giá trị hàng hóa vùng và địa phương.

Ở góc độ khác, xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp. Bởi giá trị mà thương hiệu định vị được càng rõ nét thì độ phủ sóng thị phần sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường càng cao, sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể đi xa và đi sâu vào thị trường thông qua thói quen ghi nhớ tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu.

Theo ghi nhận, những năm gần đây, các sở, ngành, địa phương của vùng Đông Nam Bộ luôn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương. Bộ Công Thương cũng tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp vùng, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, hướng tới phát triển thương thương hiệu quốc gia. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương trong vùng đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các làng nghề, nông sản đặc trưng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên đến nay, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu chung cấp vùng Đông Nam Bộ. Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường nhất là thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ.

Phát triển thị trường xuất khẩu Đông Nam Bộ: Cần xây dựng thương hiệu chung 4 mặt hàng chủ lực
Các doanh nghiệp trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ (Ảnh minh họa)

Để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đề xuất, cần xây dựng thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ cho 4 mặt hàng hóa chủ lực của vùng dựa trên lợi thế của các tỉnh thành địa phương.

Thứ nhất, ngành da giày: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg). Theo đó, da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới. Hiện khoảng 65% năng lực sản xuất giày dép Việt Nam đang tập trung tại vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu gia công sản phẩm, với giá trị gia tăng thấp, mà chưa phát triển công nghiệp nguyên, phụ liệu, chưa xây dựng được nhiều các thương hiệu mạnh đối với thị trường trong ngoài nước. Phần lớn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Điều này là yếu tố hạn chế đế phát triển thương hiệu riêng cho doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó cần xây dựng trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu và đổi mới sáng tạo, giúp thúc đẩy hoạt động của thị trường nguyên, phụ liệu theo hướng chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó, các doanh nghiệp trong ngành vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu… Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành da giày, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.

Thứ 2, ngành công nghiệp chế biến gỗ: Đông Nam Bộ là trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn nhất cả nước, riêng Bình Dương đã chiếm 41% tổng sản phẩm xuất khẩu của cả nước. Dù đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, song những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa thể ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế khi phần lớn phải “mượn tên” thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu ra thị trường các nước. Hầu hết doanh nghiệp trong nước đều sản xuất gia công theo các đơn hàng, kiểu, mẫu mã từ khách hàng nước ngoài, chưa chủ động tung ra những mẫu mã, thiết kế mang giá trị văn hóa Việt.

Trước tình hình đó, ngành gỗ vùng Đông Nam Bộ cần có bước quy hoạch lại, thúc đẩy liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để xây dựng thương hiệu trong ngành gỗ. Trong đó, theo chiều dọc là thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường của các địa phương trong vùng. Liên kết ngang là các hiệp hội doanh nghiệp gỗ trong nước cần đẩy mạnh các hoạt động, liên kết lại với nhau, thể hiện rõ vai trò của mình với các doanh nghiệp thành viên trong phát triển thương hiệu gắn với định hướng phát triển ngành công nghiệp thế mạnh của cả nước.

Bên cạnh đó, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao chất lượng và tạo ra những sản phẩm mới lạ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời khai thác các yếu tố văn hóa địa phương để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn vùng miền. Ví dụ, các sản phẩm thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ, hoặc thực phẩm đặc sản có thể được thiết kế với các họa tiết và phong cách mang tính đặc trưng của Đông Nam Bộ.

Thứ 3, sản phẩm nông sản: Vùng Đông Nam Bộ có rất nhiều tiềm năng phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản vùng. Thời gian qua, các tỉnh thành có nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản theo hướng tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra cho các sản phẩm mang nhãn hiệu…

Tuy vậy, nông sản vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa có nhiều thị trường xuất khẩu tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Đa số vẫn là xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu đúng hướng sẽ là cơ sở để khẳng định sự ổn định, vững mạnh và bền vững cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường mở hiện nay. Mà tiêu biểu hiện nay là trái có múi, sầu riêng, cà phê…

Các địa phương trong vùng cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng với đó định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Nghĩa là có chính sách đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, ngành công nghiệp công nghệ thông tin: Các tỉnh thành cần có giải pháp liên kết xây dựng, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành công nghiệp chủ lực của vùng, tiến đến là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực. Trên thực tế, thời gian qua, các tỉnh thành Vùng Đông Nam Bộ lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất.

Vùng cần có cơ chế đánh giá thực trạng, hoàn thiện đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo… Tạo ra nội lực hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, trí tuệ nhân tạo, để tạo khung pháp lý xây dựng, triển khai các nhiệm vụ… tạo lợi thế phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Để phát triển được thương hiệu của các ngành xuất khẩu chủ lực của Vùng Đông Nam cần có sự đầu tư, vào cuộc của Chính Phủ, các cơ quan chuyên trách, các tỉnh thành và chính các doanh nghiệp trong vùng gắn với tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, các cấp bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật