Số hóa nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số mang tới những cơ hội lớn cho các NHTM, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, mang lại khả năng tạo ra những giá trị mới chưa từng có.
Tín hiệu khởi sắc
Mặc dù chịu tác động không nhỏ từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, song các ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, cũng như củng cố nguồn lực để bứt phá trong tương lai. Có được kết quả này một phần cũng nhờ trong năm qua các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phi tín dụng, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong dịch bệnh.
Chẳng hạn như TPBank, trong năm 2021 vừa qua thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng này tăng gần 65%, đạt trên 1.500 tỷ đồng. Hay như VIB, lợi thế thị phần trong bancassurance và thẻ, tỷ trọng thu nhập từ phí đóng góp gần 20% tổng thu nhập hoạt động. Tại ABBank, thu thuần từ phí dịch vụ cũng tăng 78% so với năm 2020 (đạt 372 tỷ đồng). MSB thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020, kết quả này có đóng góp đáng kể từ tăng trưởng doanh thu dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… LienVietPostBank cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36,9%.
Năm 2021, nhiều ngân hàng ghi nhận tín hiệu kinh doanh tích cực |
Nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng tăng trưởng tích cực cho thấy hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ngày càng bền vững. Trong khi việc đẩy mạnh chuyển đổi số khiến hiệu quả kinh doanh cải thiện rõ nét, thể hiện qua chỉ số CIR (chi phí/thu nhập) tại nhiều ngân hàng giảm đáng kể. Đơn cử, TPBank một năm qua CIR giảm từ 40% xuống 35%; cả năm 2021 CIR của VIB cũng giảm mạnh về mức 35%. Sacombank có CIR năm 2021 giảm mạnh, ở mức khoảng 36,2% và dự kiến trong năm 2022 giảm còn 34,2%... Việc tiết kiệm chi phí đã giúp cho các ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng.
Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, dù gặp rất nhiều thách thức song kết quả mà hệ thống ngân hàng đạt được năm 2021 tới từ nền tảng vững chắc, được củng cố nhiều năm qua. Một trong những yếu tố quan trọng là việc triển khai Basel II vào trong hoạt động của các ngân hàng. “Việc NHNN ban hành các chuẩn triển khai Basel II là một quyết định căn cơ, bước đi phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cùng với Basel II, việc nỗ lực để tiến tới chuẩn Basel III thời gian tới chắc chắn sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển lành mạnh hơn nữa”, vị này nhận định.
Thực tế cũng cho thấy, trong năm qua dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn nỗ lực “hoàn thiện” mình thông qua việc áp dụng sâu hơn chuẩn Basel. Như MSB ngay trong quý I/2021 hoàn thành cả ba trụ cột của Basel II và bắt đầu áp chuẩn Basel III trong quản trị rủi ro; TPBank vào tháng 10/2021 là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành toàn bộ yêu cầu của Basel III và IFRS 9 (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế), triển khai cả hai chuẩn mực này ngay từ quý IV/2021…
Dưới góc độ một NHTM, từ kinh nghiệm của MB, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB chia sẻ, Basel II đã giúp MB hoàn thành được các mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% trong những năm vừa qua, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 300%, tỷ lệ an toàn vốn khoảng 11% (so với quy định tối thiếu 8%).
Tìm động lực mới cho tăng trưởng
Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước bắt nhịp lại với trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn với Covid-19. Hiện trên 70% dân số đã được tiêm đủ liều cơ bản và dự kiến sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi ba vào cuối quý I/2022. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 của các TCTD được NHNN công bố gần đây cũng cho thấy, hầu hết các NHTM đều lạc quan với tình hình kinh doanh quý I/2022 và cả năm. Trong đó, có tới 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý đầu năm 2022 sẽ tăng trưởng so với quý IV/2021.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng GDP khởi sắc trở lại từ quý IV/2021 cũng sẽ tạo động lực cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng sôi động hơn trong năm 2022.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, kỳ vọng song không thể có tâm lý chủ quan và sớm hài lòng. Vì năm 2022, dự báo tình hình quốc tế cũng như trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội đan xen cùng nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, thậm chí có biến chủng mới, chưa kể thiên tai, dịch bệnh khác, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực. Bên cạnh đó hệ thống TCTD còn phải đối mặt với áp lực lớn về lạm phát và nợ xấu gia tăng…
Bởi thế, trên nền tảng những kết quả đã đạt được, các ngân hàng nên tiếp tục gia tăng củng cố năng lực quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, đẩy mạnh chuyển đổi số… Nếu được tiến hành toàn diện, bài bản và tích cực mới có thể là đòn bẩy để hệ thống ngân hàng phát triển vững mạnh hơn giai đoạn tới.
Càng trong khó khăn thì củng cố năng lực quản trị càng quan trọng và cần thiết hơn. Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2016 - 2020, với những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản trị NHTM trong bối cảnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, ngân hàng là một trong những ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam đều được cải thiện.
“Năm 2022, cùng với nhiều giải pháp khác, việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 một cách quyết liệt, căn cơ sẽ góp phần đáng kể để hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn”, vị này cho hay.
Đặc biệt theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số mang tới những cơ hội lớn cho các NHTM, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, mang lại khả năng tạo ra những giá trị mới chưa từng có. Thực tế đã chứng minh thông qua kết quả kinh doanh vượt trội của các ngân hàng nhờ chuyển đổi số.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, công nghệ sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong ngành Ngân hàng và có sự thâm nhập ngày càng sâu rộng hơn như: ngân hàng tự động, phê duyệt trước khoản vay, eKYC, nền tảng core banking mở - open API… Theo VCBS, nhiều công nghệ yêu cầu dữ liệu đầu vào rất lớn, nên việc nắm được số lượng dữ liệu giúp một số ngân hàng tạo lợi thế so với các ngân hàng khác về số hóa và ở các các hoạt động khác như tăng trưởng tín dụng, thu hút khách hàng...
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank cũng nhìn nhận, việc tăng tốc phát triển hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng sẽ tạo nền tảng vững chắc để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số toàn diện hoạt động.