A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chờ đợi Mỹ công bố các số liệu kinh tế quan trọng

Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 11/12 và tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp do nỗ lực bổ sung dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, mặc dù lo ngại về tình trạng dư cung dầu thô và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu trong năm tới vẫn còn tồn tại.

Kho dự trữ dầu thô tại Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 56 xu Mỹ (0,7%) lên 76,40 USD/thùng vào lúc 14 giờ 35 phút (giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 48 xu Mỹ (0,7%) lên 71,71 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu này đều tăng hơn 2% vào thứ Sáu (8/12) nhưng lại giảm tuần thứ bảy liên tiếp và là chuỗi giảm hàng tuần dài nhất kể từ năm 2018, do lo ngại tình trạng dư cung kéo dài.

Giá dầu giảm gần đây đã thu hút sự quan tâm của Mỹ, quốc gia đang tìm kiếm tới 3 triệu thùng dầu thô cho vào Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để giao hàng vào tháng 3/2024.

Nhà phân tích Tony Sycamore của ngân hàng IG cho biết, Mỹ đang tìm cách bổ sung cho SPR và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu.

Bất chấp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ đã cam kết cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày (bpd) trong quý đầu tiên năm 2024, các nhà đầu tư vẫn lo ngại nguồn cung sẽ giảm. Sản lượng dầu tăng ở các nước sản xuất dầu ngoài OPEC được cho là sẽ dẫn đến tình trạng dư cung trong năm tới.

Các nhà phân tích nhận định rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động và không có định hướng cho đến khi thị trường thấy rõ các yếu tố liên quan đến việc cắt giảm sản lượng tự nguyện.

Tuần này, các nhà đầu tư đang theo dõi chính sách lãi suất từ cuộc họp của 5 ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), và số liệu về lạm phát của Mỹ tác động đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 11/12 khi các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố số liệu kinh tế quan trọng và quyết định chính sách của Fed sau khi số liệu lao động tuần trước cho thấy Fed đang nỗ lực ổn định nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,5% lên 32.791,80 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,8% xuống 16.201,49 điểm, và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,7% lên 2.991,44 điểm.

Thị trường Sydney, Seoul và Mumbai đều tăng điểm, nhưng Hong Kong, Singapore, Wellington, Manila và Jakarta đều giảm điểm.

Chuyên gia Tony Sycamore của IG Australia nhận định rằng thị trường chứng khoán có thể biến động nếu tuần này có sự tác động bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cuộc họp chính sách của Fed hoặc doanh số bán lẻ của Mỹ. Còn chuyên gia Stephen Innes tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho rằng Fed đang đi theo chủ trương đúng đắn.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi các quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong tuần này.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 11/12, VN-Index tăng 1,06 điểm, lên mức 1,125.5 điểm; HNX-Index tăng 0,17 điểm lên 231,37 điểm

Giá vàng châu Á đi xuống

Trên thị trường hàng hóa, giá vàng đã giảm xuống mức 1.997 USD/ounce. Tại Việt Nam, vào cuối phiên giao dịch 11/12, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,75 - 73,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật