A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ câu chuyện hỗ trợ, kết nối

Chỉ trong vài ngày, giá ớt tại khu vực các tỉnh miền Trung đã tăng mạnh gấp 3 lần so với 1 tuần trước.

Mới đây, Sở Công Thương Nghệ An ra văn bản kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cả nước hỗ trợ, kết nối tiêu thụ 5.000 tấn gừng tươi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bắt đầu vào vụ thu hoạch. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Gừng là một trong số nông sản hiếm phải kêu gọi hỗ trợ, kết nối tiêu thụ. Trong tất cả các nông sản phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ, đây là lần thứ 2 đối với gừng (lần thứ nhất tại Hà Giang). Vì sao gừng phải kêu gọi hỗ trợ? Nguyên nhân do đây không phải là mặt hàng "đẳng cấp" và tham gia vào trục nông sản xuất khẩu còn hiếm hoi.

Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ câu chuyện hỗ trợ, kết nối
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Trong nước, tiêu thụ gừng tương đối thấp. Mặt khác, hiện đang vắng bóng các thông tin trên sàn nông sản, thiếu thông tin về dự báo mức độ tiêu thụ gừng, diện tích trồng và thu hoạch vào thời vụ nào là chính yếu đến người dân, tổ chức kinh tế, hợp tác… Đặc biệt, năm nay, thông tin trên các mạng xã hội cho rằng gừng, mật ong, củ sả… là một trong những nguyên liệu giúp ngăn ngừa được Covid-19, khiến diện tích trồng gừng tăng. Chính sự chuẩn đoán theo ý chí chủ quan của người trồng đã làm cho diện tích và sản lượng gừng tăng lên.

Một vấn đề nữa đó là, vòng đời của sản phẩm gừng rất ngắn, trong khi không được hỗ trợ bởi công nghiệp chế biến, dẫn đến tình trạng chỉ bán sản phẩm tươi. Hiện, các cơ quản quản lý nhà nước và chính quyền địa phương mới đặt vấn đề sản xuất để tăng năng suất mà chưa gắn với bảo quản và chế biến ra sao, thâm nhập vào thị trường nào tốt hơn. Vì không có công nghiệp chế biến hỗ trợ, thu hoạch tập trung vào một thời gian ngắn sẽ dẫn đến ế thừa. Đây là điều đương nhiên!

Theo Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, sẽ không còn việc cơ quan quản lý quy hoạch "trồng cây gì, nuôi con gì" ở các địa phương. Mỗi nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường. Ông nhận định gì về điều này?

Trong quy hoạch, phải chia ra các góc độ tiếp cận như: Địa chính, đất đai và vùng trồng; quy hoạch nông sản hàng hóa đưa vào thị trường.

Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ câu chuyện hỗ trợ, kết nối

Nếu chúng ta quy hoạch nông sản hàng hóa để ứng với một thị trường hoặc một cụm thị trường, đó là điều bắt buộc bởi vì có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đầu tư và đưa công nghiệp vào chế biến. Khi đó, sẽ hình thành các vùng sản xuất, vùng nông nghiệp lõi, doanh nghiệp lõi.

Hiện nay, chúng ta đang quy hoạch 11 sản phẩm trên 5 vùng sinh thái để ứng với từng thị trường. Đang tồn tại nhận thức, cứ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP là đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là một quan niệm khá sai trong sản xuất và kinh doanh. Nếu doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn này nhưng không hợp với thị trường xuất khẩu, cũng không xuất khẩu được, bởi tiêu chuẩn là do bên mua đặt ra, đây mới là bản chất của chuỗi giá trị. Do đó, nếu không có quy hoạch, sẽ không có được tiêu chuẩn sát với thị trường, đồng thời sẽ không có được mã vùng, mã số để đảm bảo được các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Mặt khác, nếu không có quy hoạch sẽ khiến các tập đoàn có vốn nhưng không lựa chọn được công nghệ để đầu tư theo vòng đời của sản phẩm. Do đó, quy hoạch không chỉ mang yếu tố sản xuất mà còn mang yếu tố thị trường và sâu xa hơn đây còn là yếu tố công nghệ để doanh nghiệp lựa chọn chế biến.

Trở lại câu chuyện kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản, theo ông, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là gì?

Theo tôi, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có bản đồ số về nông nghiệp, thể hiện rõ diện tích, sản lượng, thu hoạch, tiêu chuẩn của từng loại sản phẩm. Trên cơ sở nhận biết được những thông tin này, nông dân sẽ lựa chọn được nông sản để thực hành sản xuất. Doanh nghiệp cũng có thông tin, vạch ra kế hoạch để tính toán đầu tư cũng như lựa chọn công nghệ chế biến. Rõ ràng, sự kết nối và liên kết hợp tác nằm ở yếu tố này, giúp nông dân chủ động ngay từ đầu trong sản xuất và không bị rơi vào tình trạng không rõ ràng về thông tin, không để các vùng sản xuất "dẫm chân" lên nhau và triệt tiêu thế mạnh của nhau.

Tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định và nên chọn ra các thị trường lớn để xây dựng. Ngoài ra, phải xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan