A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện môi trường kinh doanh cần thực chất hơn

Từ Báo cáo của VCCI, Ths. Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam nhận định, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành nghị định, thông tư để cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay...

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về tính thực chất của hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường kinh doanh khi những đề xuất cắt giảm của một số bộ, ngành vẫn còn tính hình thức, “làm cho có”, nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.

Điểm lại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin “dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh là một trong những dòng chính sách nổi bật, đậm nét của năm nay với sự ban hành nhanh chóng, kịp thời, tháo gỡ những “điểm nghẽn” mở đường cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Nổi bật là Nghị quyết số 128/NQ-CP đã chuyển dịch trong quan điểm phòng dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, giúp kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng trở lại.

cai thien moi truong kinh doanh can thuc chat hon
Ảnh minh họa

Tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn một số hạn chế như thiếu quy định, một số quy định chưa phù hợp. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng “phép vua thua lệ làng”, khi địa phương đặt ra các rào cản đối với lưu thông hàng hoá. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho biết, dòng chảy chính sách cải thiện môi trường kinh doanh vẫn thiếu hiệu quả. Báo cáo của VCCI cho thấy các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chủ yếu tập trung vào các dạng đơn giản như: Bỏ yêu cầu phải cung cấp có một số tài liệu hoặc lược bỏ một số nội dung trong mẫu tờ khai; bỏ yêu cầu phải cung cấp một số giấy tờ, tài liệu trước đó cơ quan thực hiện thủ tục đã cấp; chuyển phương thức thực hiện thủ tục lên cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc trên phương tiện điện tử; giảm số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục… Các kiến nghị này là hợp lý, sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng theo VCCI, để cho rằng các đề xuất này sẽ tác động lớn, có tính cải cách trong hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thì vẫn còn khiên cưỡng.

Hay có trường hợp đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính trong cùng lĩnh vực lại mâu thuẫn nhau. Như theo phương án của Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị bỏ toàn bộ thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng. Nếu theo đề xuất này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nữa, có thể tự do kinh doanh dịch vụ trò chơi này, nhà nước chỉ quản lý đối với nội dung của trò chơi. Nhưng tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đang được soạn thảo lại quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng phải có Giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng cho từng trò chơi điện tử G1 trên mạng. Để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể pháp lý, tài chính, nhân sự, kỹ thuật, yêu cầu về nội dung của các trò chơi không vi phạm quy định. Rõ ràng, quy định tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP với kiến nghị tại phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh đang “vênh” nhau. Điều này cũng đặt ra quan ngại về hiệu quả giám sát việc thực thi các đề xuất trong phương án.

Bên cạnh đó, trong một số phương án cắt giảm, các đề xuất giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau có tình trạng không thống nhất. Đơn cử như yêu cầu bỏ “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong hồ sơ xin cấp giấy phép ở ngành nghề này nhưng ở các ngành nghề khác lại vẫn giữ nguyên.

Ngoài ra, còn có xu hướng “tháo gỡ” đi cùng “thắt chặt” trong cơ chế quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Đơn cử như kinh doanh xuất khẩu gạo lại quay trở lại điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay xát…

Từ Báo cáo của VCCI, Ths. Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam nhận định, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành nghị định, thông tư để cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay. Đơn cử như trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, các quy định mới như về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu… vẫn cần có hướng dẫn cụ thể hơn để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, các vấn đề mới theo xu hướng tất yếu của thị trường như việc áp dụng AI trong tư vấn và đầu tư chứng khoán; hợp đồng giao dịch điện tử, chữ ký số áp dụng trong lĩnh vực chứng khoán; giải quyết tranh chấp online trong lĩnh vực chứng khoán… cũng cần được xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng tránh sự tụt hậu và mất kiểm soát khi các sản phẩm theo nhu cầu thị trường vẫn diễn ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan