A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" khiến nhu cầu kim loại quý suy yếu

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong ngày hôm qua. Có đến 5 trên 6 mặt hàng nhóm nông sản tăng giá trong khi nhiều mặt hàng kim loại đồng loạt suy yếu. Tuy nhiên, lực bán vẫn chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,18%, xuống còn 2.153 điểm.

1.-mxv-index.png

Giá 8 trong số 10 mặt hàng kim loại đi xuống

Khép lại ngày giao dịch hôm qua, sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim quay đầu suy yếu trong khi giá bạc nối dài đà giảm trước sự mạnh lên của đồng USD. Trong đó, giá bạc đã đánh mất 4,57% xuống 27,98 USD/ounce. Giá bạch kim hạ 2,46% giá trị, đóng cửa tại mức 945,7 USD/ounce.

3.-bang-gia-kim-loai.png

Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II của Mỹ là tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên hôm qua. Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ, trong quý II, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 2,8% so với quý trước. Con số này cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo và phục hồi từ mức tăng 1,4% của quý I. Trong đó, chi tiêu của người tiêu dùng, lĩnh vực chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế Mỹ, tăng 2,3% sau khi đã chậm lại trong quý I.

Loạt dữ liệu tích cực này đã xua tan mối lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ có nguy cơ “hạ cánh cứng”, nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý vì thế cũng giảm bớt, qua đó làm gia tăng lực bán đối với bạc và bạch kim.

Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt quay đầu suy yếu trở lại do nhu cầu tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc vẫn tạo lực cản lớn đà tăng giá. Đóng cửa, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) giảm 0,98% về 99,9 USD/tấn.

Dữ liệu từ Steelhome cho thấy tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ yếu kém. Tính đến tuần kết thúc ngày 12/7, tồn kho tại các cảng Trung Quốc đã tăng 7 tuần liên tiếp, hiện ở mức 150,2 triệu tấn, tăng 30% so với đầu năm nay và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Giá ngô hợp đồng tháng 12 có xu hướng giằng co trong phiên giao dịch ngày 25/7. Trong bối cảnh thời tiết có dấu hiệu đe dọa đến triển vọng mùa vụ Mỹ, phe mua chiếm ưu thế hơn giúp đẩy giá ngô tăng 0,66% khi đóng cửa, đánh dấu phiên khởi sắc thứ 4 liên tiếp.

2.-bang-gia-nong-san.png

Công ty Commodity Weather Group dự báo thời tiết khô nóng sẽ xuất hiện ở khu vực trung tâm Mỹ trong hai tuần tới và nguy cơ đe dọa khoảng 20% diện tích ngô vốn đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Điều này dấy lên lo ngại năng suất và chất lượng tiềm năng của cây trồng có thể nhanh chóng xấu đi, giảm triển vọng sản lượng ngô năm nay.

Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán ngô niên vụ 2024-2025 của nước này trong tuần 12 - 18/7 đạt hơn 745.190 tấn, tăng 53,4% so với một tuần trước và vượt ngoài khoảng dự đoán trước của thị trường. Dữ liệu báo cáo cho thấy nhu cầu quốc tế với ngô vụ mới của Mỹ tăng trưởng mạnh, góp phần hỗ trợ giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, đóng cửa phiên hôm qua, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 quay đầu giảm tới 1,69%. Nhu cầu đi xuống trong khi nguồn cung dự kiến dồi dào, áp lực bán đã đè nặng lên giá lúa mì trong suốt thời gian giao dịch của phiên.

Báo cáo Export Sales cho thấy, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán xấp xỉ 309.320 tấn lúa mì niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 18/7, giảm mạnh 46,5% so với một tuần trước và gần mức thấp nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích. Con số này cho thấy nhu cầu lúa mì Mỹ hiện đang thấp và gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan