A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tựa FTA để bứt phá

Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2022 các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt lợi thế từ các FTA mang lại để nhanh chóng phục hồi sản xuất và bứt phá.

Năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song xuất khẩu vẫn về đích ngoạn mục, tăng 18,6% so với năm trước, vượt 13,6% so với chỉ tiêu được giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Trong đó các FTA là nền tảng quan trọng để Việt Nam vượt qua các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của các cuộc chiến thương mại trên thế giới để tiếp tục tăng trưởng trong xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2022 các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt lợi thế từ các FTA mang lại để nhanh chóng phục hồi sản xuất và bứt phá.

tua fta de but pha

“Cánh cửa” vượt Covid

Tính đến hết năm 2021, 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

TS. Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp, đa số các quốc gia chịu nhiều tác động về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn trên thế giới thông qua các FTA. Các doanh nghiệp Việt đang đã tận dụng rất tốt các lợi thế từ FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng hóa chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường thì việc ký kết thêm các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA hay quy mô lớn như RECP đã đưa Việt Nam trở thành một nơi thuận lợi cho đầu tư quốc tế bất chấp đại dịch. Các FTA thế hệ mới này được xem là hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn sau đại dịch. Thời gian qua, tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa là rất rõ.

Việc nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA đã ký kết đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp

Đối với Hiệp định EVFTA, sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 12/2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 51,3 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 35,96 tỷ USD, tăng 12,6% và nhập khẩu đạt 15,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm ngoái. EVFTA được đánh giá là một trong những FTA của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi. Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Tương tự đối với các nước là thành viên của Hiệp định CPTPP, sau hai năm Hiệp định đi vào thực thi, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ vẫn tăng trưởng rất tích cực.

Chìa khóa giúp doanh nghiệp phục hồi

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, vai trò của các FTA không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều giữa các quốc gia mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự phục hồi, FTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để đón đầu những cơ hội mới khi nền kinh tế chuyển trạng thái hậu Covid-19. Bộ Công thương sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp khai thác tối đa ưu thế từ các FTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

tua fta de but pha

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tham gia các FTA là chủ trương đúng đắn bởi trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, muốn phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài "cuộc chơi". Tuy nhiên, những FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với mức độ cam kết sâu, phạm vi bao phủ rộng. Do đó để tận dụng tối đa các FTA, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính quyết định.

TS. Trịnh Minh Anh cho hay, bước sang năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 với các biến chủng mới khó kiểm soát, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới. Để khai thác lợi thế từ các hiệp định FTA, chúng ta cần phải tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược.

Có thể nói, bước sang năm 2022, cơ hội xuất khẩu sang các nước thành viên của các FTA là rất lớn. Các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA sẽ trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. TS. Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA đã ký kết đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới Nhà nước cần sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động tìm hiểu trước các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm để tiếp cận thị trường mới, để quyết định mình có được hưởng lợi không và hưởng lợi bao nhiêu từ FTA. Nếu thực hiện tốt quá trình này, Việt Nam sẽ thực sự hội nhập kinh tế sâu rộng và hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.

tua fta de but pha

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

tua fta de but pha

Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng của xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh đại dịch khó khăn chính là các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Trong đó, phải kể đến những FTA thế hệ mới như CPTPP có hiệu lực năm 2019, EVFTA có hiệu lực năm 2020, UKVFTA có hiệu lực năm 2021...

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA thứ 15 của Việt Nam là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19. Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn này, việc Hiệp định RCEP được ký kết và hy vọng sẽ đi vào thực thi ngay trong năm tới đây càng có ý nghĩa trong việc tạo động lực giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch. Để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật