A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu gạo Việt Nam đối mặt áp lực kép

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 4,7 triệu tấn, với giá trị thu về là 2,44 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024

 

fb_img_1726638532739(1).jpg

Xuất khẩu gạo: Ảnh minh họa

Giá giảm, cạnh tranh gay gắt

Theo số liệu của Cục Hải quan, riêng trong tháng 6/2025, cả nước xuất khẩu khoảng 519.784 tấn gạo, với trị giá 273,77 triệu USD, giảm mạnh 33% về lượng và 32,9% về giá trị so với tháng trước. Tuy kim ngạch sụt giảm, nhưng xét về thị phần, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ và vượt Thái Lan – quốc gia chỉ xuất khẩu được 3,65 triệu tấn trong cùng kỳ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 18/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ còn 374 USD/tấn – mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn gồm Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan. So với cùng kỳ năm 2024, giá gạo châu Á đã giảm 30–35%, chạm mức thấp nhất trong gần 8 năm.

Thêm vào đó, nguồn cung tăng mạnh từ Ấn Độ càng gây áp lực lên thị trường. Tính đến ngày 1/7, nước này đang dự trữ gần 38 triệu tấn gạo – gần gấp 3 lần mức an toàn 13,5 triệu tấn. Thời tiết thuận lợi từ mùa mưa gió mùa giúp sản lượng vụ mới dự kiến tiếp tục tăng, đẩy giá gạo toàn cầu giảm sâu.

Ba thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm Philippines, Indonesia và Malaysia ghi nhận diễn biến trái chiều. Trong khi xuất khẩu sang Philippines tăng 8,7% lên 2,1 triệu tấn – chiếm tới 44,6% tổng lượng xuất khẩu và giữ vững vị trí số 1 tại thị trường này, thì xuất khẩu sang Indonesia và Malaysia lại sụt giảm đáng kể. Cụ thể, lượng gạo xuất sang Indonesia chỉ đạt 10.691 tấn (giảm 97,3%), Malaysia đạt 226.411 tấn (giảm 51%).

Nguyên nhân chủ yếu là do 2 quốc gia này đang tăng sản lượng trong nước và có lượng tồn kho lớn từ đầu năm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sau 2 năm nhập khẩu tăng do sản lượng thấp, Indonesia và Malaysia hiện đã chủ động cắt giảm nhập khẩu để ưu tiên tiêu thụ nội địa.

Vướng mắc từ thủ tục và tâm lý người dân

Một yếu tố khác đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường lúa gạo trong nước là việc triển khai chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với hoạt động mua bán nông sản thô – bắt đầu từ ngày 1/7/2025. Quy định này yêu cầu tất cả khâu trung gian trong chuỗi cung ứng – từ thương lái, nhà máy xay xát đến doanh nghiệp xuất khẩu – phải kê khai, tính và nộp thuế đầy đủ, bất kể mua bán với thương nhân hay người tiêu dùng cuối.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp và thương lái vẫn còn lúng túng. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Cần Thơ cho biết, giá gạo xuất khẩu giảm do tác động từ thị trường toàn cầu, còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý dè dặt của doanh nghiệp trong nước về thuế VAT.

“Chúng tôi vẫn duy trì hoạt động, nhưng rất nhiều đơn vị hiện nay đang tạm dừng để chờ hướng dẫn. Chính sách chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp e ngại rủi ro. Nếu khai sai có thể bị phạt, còn kê khai đúng thì chưa biết có được hoàn thuế đúng hạn hay không”, vị này chia sẻ.

Theo ước tính hiện có khoảng 50% duy trì hoạt động ở mức thận trọng, còn lại 20–30% hoạt động cầm chừng hoặc theo kiểu “vừa làm vừa quan sát”, số còn lại chờ thêm thông tin.

Vấn đề lớn hiện nay là sự thiếu rõ ràng trong quy trình kê khai thuế và hoàn thuế VAT. Trước đây, khi mua nông sản trực tiếp từ nông dân có bản kê khai, doanh nghiệp có thể được miễn thuế. Nếu mua thông qua thương lái mà không có bản kê, doanh nghiệp phải nộp 2,5% thuế.

Luật thuế mới quy định, để được hoàn 5% thuế VAT, doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh người bán đã kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Điều này buộc thương lái và nông dân phải cung cấp thông tin cá nhân chi tiết như số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, diện tích canh tác... nhằm xác thực với cơ quan thuế. Tuy nhiên, đây lại chính là rào cản lớn.

Tại đồng bằng sông Cửu Long – vùng sản xuất lúa lớn nhất nước với phần lớn là các hộ nông dân nhỏ lẻ – vẫn còn e ngại về việc cung cấp thông tin cá nhân, nhất là trong bối cảnh gia tăng lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội. Tâm lý “ngại thuế” cũng khiến thương lái dè chừng khi mua lúa, từ đó ảnh hưởng đến giá thu mua và tiến độ tiêu thụ nông sản.

“Người dân không rõ ràng về chính sách, thương lái thì không biết kê khai đầu vào thế nào, còn nhà máy thì lo không đủ hồ sơ để được hoàn thuế. Ai cũng lo rủi ro pháp lý nên chờ đợi, khiến chuỗi cung ứng bị nghẽn”, đại diện một nhà máy tại Hậu Giang nói.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân mà còn làm gián đoạn cả chuỗi cung ứng nông sản. Một số doanh nghiệp cho biết, để ứng trước khoản thuế VAT 5%, họ buộc phải vay ngân hàng và chịu thêm chi phí lãi suất. Trong khi đó, việc hoàn thuế lại phụ thuộc vào đầy đủ chứng từ từ người bán – điều mà họ không thể tự kiểm soát. Nhiều đơn vị lo ngại rằng, nếu không được hoàn thuế đúng thời hạn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền và hiệu quả kinh doanh.

Giới doanh nghiệp nông sản cho rằng, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về thực hiện và hoàn thuế VAT trong chuỗi giao dịch nông sản thô. Việc áp dụng chính sách thuế khi chưa có đủ điều kiện triển khai đồng bộ và hiểu biết từ người dân, sẽ gây ra hệ lụy lớn cho cả ngành.

“Thuế là chính sách cần thiết, nhưng phải đi kèm với lộ trình, hướng dẫn cụ thể và sự chuẩn bị đầy đủ từ cơ quan quản lý. Nếu không, chính sách tốt cũng trở thành rào cản, làm chậm dòng chảy nông sản – vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam,” một doanh nghiệp nêu quan điểm.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh khốc liệt, việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu là yếu tố sống còn. Vì vậy, việc tháo gỡ rào cản chính sách thuế không chỉ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh, mà còn bảo vệ sinh kế cho hàng triệu nông dân trong nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật