Người giữ lửa công đoàn ở doanh nghiệp công nghệ cao
Tại phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ, trong khuôn viên xanh mát của Công ty TNHH Nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, luôn có 1 người phụ nữ âm thầm góp sức làm nên những thay đổi tích cực cho công nhân, người lao động.
Công ty TNHH Nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản, là doanh nghiệp công nghệ cao đầu tiên đầu tư tại tỉnh Hòa Bình cũ (nay là Phú Thọ). Ảnh: Yên San
Đó là chị Phan Thị Ngọc Tú - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Cơ sở Công ty - người đã nhiều năm gắn bó, cống hiến bằng cả chuyên môn và tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của tổ chức Công đoàn.
Gắn bó với công ty từ những ngày đầu doanh nghiệp đặt nền móng tại Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ), chị Tú không chỉ là một kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thấu kính quang học cao cấp mà còn là người đồng hành tin cậy của anh chị em công nhân trong các hoạt động công đoàn. Dù công việc chuyên môn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, chị vẫn luôn sắp xếp hài hòa giữa nhiệm vụ chuyên môn và vai trò công đoàn, không để phần việc nào bị lơi lỏng.
“Công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện quyền lợi mà còn là cầu nối lan tỏa sự sẻ chia, nhân văn trong môi trường lao động” - chị Tú chia sẻ trong niềm tự hào về hành trình gắn bó với người lao động.
Từ những việc tưởng chừng nhỏ như kiến nghị cải thiện bữa ăn ca, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn hay tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sau giờ làm, chị đều tham gia sâu sát. Chính sự thấu hiểu tâm tư của người lao động giúp chị đưa ra nhiều đề xuất thiết thực và khả thi, tạo được đồng thuận trong ban lãnh đạo và công đoàn cơ sở.
Không chỉ tâm huyết với công đoàn, chị Tú còn là tác giả của 4 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, góp phần cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn lao động. Những đóng góp bền bỉ ấy không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành ổn định mà còn khẳng định vai trò của người lao động Việt Nam trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, chị Tú đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) trao tặng Bằng khen năm 2024 và vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng năm 2023. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng chị mà còn là minh chứng cho vai trò tích cực của cán bộ công đoàn cơ sở trong bối cảnh mới.
Sau khi ba tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Phú Thọ từ ngày 1.7, sự hiện diện của những cán bộ công đoàn tận tâm như chị Tú càng trở nên cần thiết - như những mạch nối mềm dẻo nhưng bền bỉ, giúp người lao động yên tâm làm việc, góp phần ổn định tâm lý và giữ vững năng suất lao động.
Hành trình của chị Tú là minh chứng rõ ràng rằng công đoàn cơ sở mạnh chính là nhờ những con người kiên trì, lặng thầm nhưng không bao giờ ngừng cố gắng. Đó cũng là cách chị Tú góp phần làm sáng thêm vai trò của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.
Ông Tống Đức Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Phú Thọ - chia sẻ: “Sau sáp nhập, tổ chức Công đoàn phải nhanh chóng thích ứng với bộ máy mới, đồng thời giữ vững vai trò là chỗ dựa cho người lao động. Trong đó, cán bộ công đoàn cơ sở giữ vị trí then chốt, là những người gần gũi công nhân, hiểu tâm tư đoàn viên và kịp thời kết nối với tổ chức. Sự chủ động, trách nhiệm và tinh thần vì cộng đồng của họ đã góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp”.