A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản: Càng khó khăn càng phải dốc sức

Ngoài thị trường châu Á tăng nhẹ, các thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đều giảm. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, càng khó khăn càng phải dốc sức, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông - lâm - thủy sản (NLTS) ước đạt 36,96 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu (XK) 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước (CKNT); nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.

Năm tháng đầu năm, nhiều mặt hàng XK chính có giá trị XK giảm so với CKNT, nên tổng kim ngạch XK ước đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1%. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 25,9% và muối đạt 2,0 triệu USD, giảm 11,9%.

5 tháng đầu năm ghi nhận một số mặt hàng có giá trị XK cao hơn CKNT là: Cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; hạt điều 1,28 triệu USD, tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm 58 triệu USD, tăng 59,1%..., nhất là gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%.

Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng, trong đó có những mặt hàng XK chủ lực có giá trị XK giảm, như: Cao su 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%...

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, giá XK bình quân một số nông sản XK chính giảm, cụ thể: Hồ tiêu 3.011 USD/tấn, giảm 34,9%; phân bón các loại 415 USD/tấn, giảm 35,2%; cao su 1.378 USD/tấn, giảm 21,5%; sắn và sản phẩm từ sắn 382 USD/tấn, giảm 12,0%... riêng giá gạo đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8%; cà phê đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4%.

Bài toán thị trường

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, ngoài thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%, còn lại giá trị XK tới các thị trường khác đều giảm. Giảm sâu nhất là thị trường châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường XK NLTS lớn nhất; giá trị XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với CKNT; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.

Phân tích thị trường XK của NLTS Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhận định, các thị trường XK NLTS lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc mở cửa trở lại; XK sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại. Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các DN gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp,... Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung…

Tại Thông báo 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các hiệp hội, DN quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, XK NLTS. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy XK tăng trưởng và phát triển bền vững,…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành NN&PTNT xác định, càng khó khăn, thách thức càng dốc hết sức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho DN phát triển. “Cuối quý II sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường, vì vậy phải chủ động về thông tin và hướng dẫn DN, hợp tác xã và nông dân thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để phục hồi XK” - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý.

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vải, nhãn trong năm 2023

5 tháng đầu năm kim ngạch XK rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%, là một trong các mặt hàng NLTS có kim ngạch XK cao nhất. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, dự báo, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn.

Cũng theo Cục Trồng trọt, vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch XK được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách Zero COVID, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và DN tích cực thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan