A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh

“Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta… Hồ Chủ tịch hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh…"

 

anh-1.jpg

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sở dĩ Đảng ta có thể lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân là vì Đảng ta có chính sách đúng đắn và lãnh đạo thống nhất. Mà lãnh đạo thống nhất là vì toàn thể đảng viên tư tưởng nhất trí và hành động nhất trí.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng vào năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[1]. Người khẳng định mục tiêu xuyên suốt của Đảng là: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có bài “Mừng Đảng ta 34 tuổi”, in trên báo Nhân Dân số 3598 (ra ngày 3/2/1964). Trong bài viết, Người nêu rõ phải “Giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn Đảng ta: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969) đã nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta… Hồ Chủ tịch hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh… Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đảng ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Nhờ có đường lối lãnh đạo đúng đắn ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã phát động được cao trào cách mạng 1930-1931 gây tiếng vang lớn trên thế giới, uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Do đó, Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 25, ngày 11/4/1931, quyết định công nhận Đảng ta là một chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và sẽ đưa ra thông qua tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản.

Ngày 5/8/1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ra Nghị quyết kết nạp vào Quốc tế Cộng sản một số Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng ta. Từ đây Đảng ta chính thức là Phân bộ của Quốc tế Cộng sản.

Trải qua các cao trào cách mạng như: Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng ngày càng trưởng thành và phát triển.

Đặc biệt, trong Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng ta đã có sự chuyển hướng chiến lược, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi thực dân đế quốc, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tâm năm 1945 đến từ sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng cũng như sự sáng tạo, tài tình trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Đảng ta.

Nói về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[2].

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” và lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi Nhân dân ta thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Căn cứ đặc điểm tình hình đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam: Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Tổng kết 30 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn và khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện cơ bản quyết định mọi thắng lợi của Nhân dân ta. Muốn cho Đảng làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn mới, vấn đề mấu chốt vẫn là không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Chính trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Tiếp đó, thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã bảo vệ và củng cố vững chắc những thành quả của cách mạng Việt Nam.

Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiếp đó, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân ta trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, đất nước ta nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”.

Hiện nay, đất nước ta đang chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu là kỷ nguyên mới là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. tập 12, Nxb Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 25.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật