A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án cầu Tứ Liên đã thi công ngoài thực địa nhưng đang gặp trở ngại lớn

Hà Nội - Dự án cầu Tứ Liên đã được nhà thầu triển khai ngoài thực địa, song mặt bằng được bàn giao hiện rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công.

Theo báo cáo của liên danh nhà thầu Tập đoàn Thái Bình Dương, đơn vị thi công bắt đầu triển khai khoan cọc nhồi cho hầm chui dưới Quốc lộ 5, trụ chính P37 và P38 dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu.

Dự kiến công tác khoan cọc sẽ hoàn thành trong tháng 10.2025.

Tại bờ Nam nằm trên địa bàn phường Hồng Hà, dây chuyền khoan đã hoạt động từ giữa tháng 7. Nhà thầu đang nỗ lực để sớm đổ bê tông cọc nhồi đầu tiên cho trụ tháp P37 trong vài tuần tới.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, toàn bộ cọc khoan nhồi sẽ hoàn thành. Năm 2026, các nhà thầu sẽ tập trung thi công tháp chính, và đầu năm 2027 sẽ tiến hành lao dầm thép.

s
Công trường dự án xây dựng cầu Tứ Liên, giữa tháng 7.2025. Ảnh: Hữu Chánh
Nhà thầu đang triển khai thi công khoan cọc nhồi. Ảnh: Hữu Chánh
Nhà thầu đang triển khai thi công khoan cọc nhồi. Mỗi mũi khoan có chiều sâu 65m. Ảnh: Hữu Chánh

s
Các cọc nhồi có đường kính 2,5m. Ảnh: Hữu Chánh

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, tuy nhiên dự án đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và điều kiện môi trường tự nhiên.

Tổng diện tích thu hồi đất phục vụ dự án là 62,53 ha liên quan đến gần 560 hộ dân và tổ chức tại các phường Hồng Hà và Bồ Đề.

Dù một số khu vực như trước Trung tâm Triển lãm Quốc gia và đất công tại trụ P38 (khoảng 3.000m² trong ranh GPMB và 15.000m² ngoài ranh) đã được bàn giao, tuy nhiên nhiều khu vực khác vẫn chưa hoàn tất.

Tại trụ P37, chỉ một phần đất công (1.600/14.400m² trong ranh và 1.400/34.000m² ngoài ranh) được bàn giao. Các phường Tây Hồ, Hồng Hà và Bồ Đề đang phối hợp đẩy nhanh GPMB, đặc biệt tại khu vực trụ P37 - điểm găng tiến độ của dự án.

a
Do chưa có đường bộ kết nối nên việc vận chuyển thiết bị và vật liệu đều đi bằng đường thủy. Ảnh: Hữu Chánh
s
Một trạm bê tông phục vụ dự án được dựng trên sông. Ảnh: Hữu Chánh

Kỹ sư Mai Minh Thắng - Chỉ huy phó công trường Công ty Trung Chính, cho biết: “Mặt bằng hiện rất hạn chế. Chúng tôi mong sớm có lối vào từ ngõ 310 Nghi Tàm đến vị trí trụ P37 để thuận lợi cho vận chuyển thiết bị và triển khai đồng bộ các hạng mục. Hiện tại, việc vận chuyển qua đường sông bị ảnh hưởng lớn bởi mực nước sông Hồng”.

Phía bờ Bắc, ngoài khu vực trụ P38, các khu vực còn lại vẫn chưa có đường vào công trường. Nhà thầu phải sử dụng đường sông để vận chuyển máy móc, vật tư, làm tăng chi phí và thời gian thi công.

Tại đây, mặt bằng thi công trụ P38 đã được bàn giao, chủ yếu là đất công trồng hoa màu. Nhà thầu có mặt bằng, nhưng các khu vực lân cận vẫn chưa được giải phóng.

s
Chưa có đường tiếp cận khiến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Vũ Trung Thắng - Phó Giám đốc Ban điều hành Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành - chia sẻ: “Hiện nay, chỉ khu vực trụ P38 đã được bàn giao. Trong khi đó, đường bộ dẫn vào công trường vẫn chưa hình thành, nên việc vận chuyển vật tư chủ yếu phải thực hiện qua đường sông, gây nhiều trở ngại”.

Cùng quan điểm, ông Mai Minh Thắng - Chỉ huy trưởng công trường Công ty Trung Chính cho biết, việc tiếp cận dự án bằng đường bộ hiện rất khó khăn. Nhà thầu buộc phải đưa máy móc, thiết bị qua đường thủy, phải phụ thuộc lớn vào yếu tố tự nhiên.

“Chúng tôi rất mong sớm được bàn giao toàn bộ mặt bằng để có không gian tập kết thiết bị, vật tư và triển khai đồng loạt các mũi thi công, qua đó đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2027 như kế hoạch” - ông Thắng nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật