A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 500 xác heo chết vứt la liệt dưới kênh mương ở Gia Lai gây ô nhiễm

Gia Lai - Gần 500 xác heo chết bị vứt xuống kênh mương đã được thu gom, xử lý tại 3 xã Bình Hiệp, Bình An và Hòa Hội, nhằm ngăn chặn ô nhiễm lan rộng.

Gần 500 xác heo chết vứt la liệt dưới kênh mương ở Gia Lai gây ô nhiễm

Gia Lai thu gom, xử lý gần 500 xác heo chết vứt la liệt dưới kênh mương. Ảnh: Hoài Phương

Người dân lén vứt xác heo chết xuống kênh

Ngày 17.7, ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi V, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (tỉnh Gia Lai mới) - cho biết, đã báo cáo tình trạng người dân đổ rác thải, xác súc vật chết xuống kênh Văn Phong, gây ô nhiễm môi trường và cản trở dòng chảy qua 2 xã Bình An và Bình Hiệp.

Trước đó, ngày 11.7, UBND xã Bình Hiệp đã họp, cử đoàn thanh niên và cán bộ xã phối hợp với lực lượng Xí nghiệp Thủy lợi V vận động người dân không vứt xác heo chết xuống kênh mương. Đồng thời, các lực lượng đã tiến hành vớt xác, xử lý chôn lấp để hạn chế ô nhiễm. Nhờ đó, tình trạng này đã giảm đáng kể.

Xác heo chết nằm la liệt dưới kênh, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xí nghiệp thủy lợi
Xác heo chết nằm la liệt dưới kênh. Ảnh: Xí nghiệp thủy lợi

Tuy nhiên, từ ngày 13 đến 15.7, tình trạng người dân vứt xác heo chết xuống kênh tiếp tục tái diễn, đặc biệt tại đoạn kênh Văn Phong chạy qua xã Bình An, khiến dòng chảy bị cản trở, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để đảm bảo dòng chảy thông suốt, tránh ô nhiễm môi trường, Xí nghiệp Thủy lợi V đề nghị UBND xã Bình An yêu cầu người dân chấm dứt hành vi vứt xác xúc vật xuống kênh. Trường hợp tiếp tục vi phạm, đơn vị sẽ lập biên bản, xử phạt theo quy định.

Cùng ngày, trao đổi với Lao Động, ông Lê Hà An - Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - cho biết, địa phương vẫn đang tích cực thu gom, xử lý xác heo chết trôi nổi trên các tuyến kênh mương, nhất là đoạn qua kênh Văn Phong.

Xác heo trôi nổi, bốc mùi hôi thối tại cửa xả kênh Văn Phong. Ảnh: Hoài Phương
Xác heo trôi nổi, bốc mùi hôi thối tại cửa xả kênh Văn Phong. Ảnh: Hoài Phương

Theo ông An, dịch bệnh trên đàn heo tại địa phương đã được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch mới. Nhờ tăng cường tuần tra, tình trạng người dân vứt xác heo xuống kênh đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện tượng xác heo chết trôi từ địa bàn xã Bình An theo dòng nước về xã Bình Hiệp vẫn diễn ra nhiều.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Hậu - Chủ tịch UBND xã Bình An - cho rằng tuyến kênh Văn Phong đi qua nhiều xã nên không thể xác định toàn bộ xác heo trôi nổi là do người dân xã Bình An gây ra. Dù vậy, ông Hậu cũng thừa nhận có tình trạng người dân địa phương lén lút vứt xác heo chết xuống kênh.

"Hiện tình trạng này đã được kiểm soát. Chính quyền xã đã cử người, bố trí phương tiện để hỗ trợ người dân thu gom, đưa xác heo đến khu chôn lấp tập trung khi xảy ra tình trạng heo chết", ông Hậu cho hay.

Theo thống kê, tổng số xác heo chết được các xã Bình Hiệp, Bình An và Hòa Hội thu gom, xử lý và tiêu hủy tính đến nay gần 500 con. Trong đó, xã Bình Hiệp khoảng 130 con, xã Bình An 34 con và xã Hòa Hội khoảng 300 con.

Xử nghiêm tình trạng bán chạy, giết mổ heo bệnh

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) phối hợp với các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng vứt xác heo chết xuống lòng kênh Văn Phong.

Ông Tiệp yêu cầu Sở NNMT chỉ đạo lực lượng thú y và chính quyền các xã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cần phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để lây lan.

Xã Bình Hiệp xử lý xác heo chết trôi nổi. Ảnh: Hoài Phương
Xã Bình Hiệp xử lý xác heo chết trôi nổi. Ảnh: Hoài Phương

"Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo, bán chạy, giết mổ hoặc vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, gây lây lan dịch bệnh và ô nhiễm", ông Tiệp nhấn mạnh.

Tỉnh Gia Lai cũng đã thành lập 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành tại các tuyến giao thông trọng yếu, gồm: chốt Bình Đê trên Quốc lộ 1 (phường Hoài Nhơn Bắc), chốt Song An trên Quốc lộ 19 (xã Cửu An), chốt Ia Khươl trên Quốc lộ 14 (xã Ia Khươl) và chốt Ia Le trên Quốc lộ 14 (xã Ia Le). Các chốt kiểm dịch này sẽ hoạt động liên tục 24/24 giờ trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập, kể cả ngày cuối tuần và ngày lễ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật