Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số
Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết tăng trưởng kinh tế 2 con số giai đoạn 2025 - 2030, trong đó tập trung vào phát triển bốn trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025 - 2030 với mục tiêu sớm đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Qua đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, cho thấy trong những năm gần đây, kinh tế tỉnh Khánh Hoà tiếp tục tăng trưởng, thuộc nhóm tăng trưởng cao trên cả nước. 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,33%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 5,8%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.390 tỷ đồng, bằng 55% dự toán trung ương giao, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,7%; doanh thu du lịch tăng 20,2%...
Khánh Hoà đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cân bằng, đa dạng hóa các động lực tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối cao. Hợp tác, liên kết vùng được tăng cường; hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn lực được nâng cao; công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công cấp tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề được nâng lên, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số được quan tâm; công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được tăng cường.
Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hoà vẫn nhìn nhận một thực tế là phát triển kinh tế của tỉnh chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và thiếu bền vững, chưa biến “lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh”.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công tác thu hút đầu tư các dự án mới có tính lan toả còn ít. Phát triển doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Công nghiệp chưa đóng vai trò trụ cột dẫn dắt tăng trưởng kinh tế bền vững, thiếu động lực tăng trưởng mới. Phân bổ đầu tư công còn tình trạng dàn trải, manh mún.
Khu kinh tế Vân Phong
Hoạt động khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chưa có đột phá để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; một bộ phận cán bộ, kể cả lãnh đạo chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nỗ lực cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu “Nâng tầm phát triển, tăng trưởng kinh tế hai con số, là cực tăng trưởng cao của cả nước, nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tăng trưởng kinh tế hai con số tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa
Nghị quyết xác định rõ quan điểm chỉ đạo: Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tận dụng không gian phát triển mới, khai thác tối đa mọi tiềm năng, cơ hội nổi trội, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, tạo động lực cho phát triển. Đổi mới trong huy động, phân bổ, sử dụng, phát huy các nguồn lực và kích hoạt những động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, lấy kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường làm trụ cột; phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; khơi thông ba điểm nghẽn: Hạ tầng chiến lược, chất lượng nguồn nhân lực và các dự án tồn đọng.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.
Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và khuynh hướng an phận, sợ trách nhiệm, sợ sai; chủ động linh hoạt trong mọi tình huống, không mất tự tin khi gặp khó khăn, không quá lạc quan khi có điều kiện thuận lợi.
Chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng Khánh Hoà là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc. Tăng cường nguồn lực đầu tư bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Xây dựng và phát triển đặc khu Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
"Du lịch, dịch vụ" là một trong bốn trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hoà
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng cao của cả nước. Nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc. Thập niên nâng tầm phát triển, tăng trưởng hàng năm liên tục đạt 2 con số về tăng trưởng GRDP; thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người.
Phấn đấu năm 2030, tỉnh Khánh Hòa nằm trong 10 tỉnh, thành phố thu ngân sách nội địa cao nhất, thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Nằm trong 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) cao nhất. Đồng thời, nằm trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chỉ số xếp hạng đánh giá chuyển đổi số (DTI). Kinh tế số đóng góp 35% GRDP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ tập trung phát triển bốn trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế: Công nghiệp; năng lượng; du lịch, dịch vụ; đô thị, xây dựng. Đồng thời, tập trung đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Cùng với đó, khơi thông 3 điểm nghẽn, nút thắt: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược (hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng phát triển khu công nghiệp); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Tỉnh ủy giao Đảng ủy HĐND tỉnh căn cứ nội dung của nghị quyết để thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; phối hợp với Đảng ủy HĐND tỉnh kịp thời thể chế hóa đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết và bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương...
Theo dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tính đến hết năm 2025, Khánh Hòa đã hoàn thành 24/26 chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch.