A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác vàng trái phép tàn phá thiên nhiên vùng cao Đà Nẵng

Từ thượng nguồn sông Đăk Mi đến rừng sâu Quế Phước, một “thế giới ngầm” khai thác vàng trái phép đang âm thầm tàn phá thiên nhiên và cuộc sống con người.

Khai thác vàng trái phép tàn phá thiên nhiên vùng cao Đà Nẵng

Công an xã Quế Phước, TP Đà Nẵng ra quân truy quét vàng tặc, thu giữ nhiều vật dụng phục vụ việc khai thác vàng lén lút thời gian dài. Ảnh: Công an cung cấp

Lặn ngụp dưới đáy sông, níu sự sống cho con thơ

Những ngày đầu mùa khô, nước rút khiến lòng sông Đăk Mi đoạn qua xã Phước Chánh (TP Đà Nẵng) trơ đáy. Dưới lớp sỏi cát nham nhở, từng tốp người Giẻ Triêng cặm cụi sục tay đãi vàng như một phép thử với số phận. Không thiết bị hiện đại, không bảo hộ lao động, mỗi người chỉ có một chiếc rổ nhựa, một tấm thảm nhung cũ kỹ và hy vọng mong manh về vài hạt vàng cám.

Hình ảnh ông Hồ Văn H. (50 tuổi) lom khom giữa dòng, bên cạnh là đứa con trai 6 tuổi ngồi chơi trên cát khô, khiến ai chứng kiến cũng không khỏi chạnh lòng. “Cháu còn nhỏ, không ai trông, phải đem theo. Mấy đứa lớn lên rẫy rồi. Mình không làm thì không có tiền đưa con đi khám bệnh”, ông H. nói, giọng khản đặc vì nắng gió và mỏi mòn.

Cách đó không xa, thanh niên Hồ Văn D. (21 tuổi) vừa phụ mẹ đãi vàng, vừa tranh thủ giăng lưới buổi chiều. Nắm cơm nguội trong tay, D. chỉ lặng lẽ nói: “Nhà cách đây 10 cây số, mà ngày nào cũng đi. Mẹ đau lưng lắm rồi... nhưng biết làm sao được”.

Công việc “đãi vàng cám” nhìn đơn giản nhưng vô cùng nhọc nhằn. Theo ông Hồ Văn Đ., người có thâm niên, mỗi ngày hai vợ chồng phải lọc hàng chục rổ cát sỏi. Sau khi rửa qua máng nước lót thảm, vàng mịn nếu có sẽ lắng lại, gom lại đãi thêm một lượt mới tách ra được. “Ngày nào trúng thì được 300 ngàn, nhiều hôm thì chẳng đủ mua gạo”, ông Đ. nói.

Dù biết là trái phép, nhiều người dân vẫn bất chấp. “Chính quyền vận động nhiều rồi, nhưng nghèo quá, không đi thì biết lấy gì sống”, chị Hồ Thị N. - một phụ nữ có con bệnh nặng chia sẻ. Những đồng tiền kiếm được từ đáy sông kia, không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sinh mệnh cho người bệnh trong nhà, cho bữa cơm tối nay, cho ngày mai chưa biết sẽ thế nào.

Nhưng ẩn sau lớp cát vàng ấy là những rủi ro tiềm ẩn. Việc sử dụng thủy ngân, xyanua trong quá trình tách vàng, dù ít hay nhiều, đều đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái sông Đăk Mi. Thêm vào đó, việc đãi vàng sát chân đập thủy điện, khi nước bất ngờ xả về, có thể trở thành tai họa bất kỳ lúc nào.

Người lớn đãi vàng mưu sinh, trẻ nhỏ theo chân xuống sông ngụp lặn ở thượng nguồn thủy điện Đak Mi 4. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Người lớn đãi vàng mưu sinh, trẻ nhỏ theo chân xuống sông ngụp lặn ở thượng nguồn thủy điện Đak Mi 4. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Lán trại, máy móc và những hầm vàng sâu hun hút

Nếu ở lòng sông, người dân mưu sinh trong lặng lẽ, thì tại các khu rừng như Thạnh Bình hay Quế Phước, một “công trường ngầm” đang hoạt động với quy mô rầm rộ và được tổ chức bài bản.

Chúng tôi thâm nhập bãi vàng Hố Nước và Hố Dẻo (xã Thạnh Bình) vào một ngày cuối tháng 6. Giữa rừng trồng keo, lán trại phủ bạt xanh mọc lên chi chít. Xe múc, máy phát điện, bể ngâm quặng rộng hàng chục mét vuông hoạt động không ngơi nghỉ. Tiếng máy nổ xen lẫn tiếng người hối hả như một đại công trường đang thi công giữa rừng sâu.

Dưới các hầm sâu hoắm, nhân công khai thác đưa đất đá lên mặt đất bằng ròng rọc, sau đó ngâm với hóa chất như soda, vôi, xyanua để tách vàng. Nước thải sau đó chảy tự do xuống đất, ngấm vào mạch nước ngầm - một hiểm họa sinh thái kéo dài không đo đếm được.

Cách đó không xa, tại xã Quế Phước, hàng chục người cũng đang đào hầm xuyên rừng dầu rái - nơi từng bị truy quét quyết liệt vào năm 2019. Lần này, họ tổ chức bài bản hơn: Cử người canh đường, trinh sát. Khi phát hiện lực lượng chức năng, máy móc lập tức được chôn giấu, công nhân rút vào rừng ẩn náu. “Mỗi người được thuê 400 nghìn một ngày. Chỉ cần có động, là rút ngay”, một người lao động tiết lộ.

Mới đây, Công an xã Quế Phước ra quân kiểm tra, truy quét khu vực Xai Chức - Xai Hùng (thôn Mậu Long).

Bà Tào Thị Tố Điểm - Chủ tịch UBND xã Quế Phước - cho biết: “Chúng tôi xác định đây là hành vi xâm hại tài nguyên nghiêm trọng. Thời gian qua, lợi dụng việc địa phương đang sắp xếp đơn vị hành chính, nên các đối tượng lén lút hoạt động trở lại. Chính quyền kiên quyết không để tái diễn”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật