Hà Nội tăng tốc hồi sinh sông Tô Lịch
Trước tình trạng dòng chảy cạn kiệt, nước thải sông Tô Lịch chưa xử lý tích tụ và bốc mùi, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh nhiều dự án quy mô để cải thiện chất lượng nước và khôi phục dòng sông.
Công nhân nạo vét bùn thải trên sông Tô Lịch. Ảnh: Tùng Giang
Dồn lực cho dự án bổ cập nước từ sông Hồng
Một trong những nguyên nhân chính khiến sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng là do dòng chảy bị ngắt quãng và suy kiệt, đặc biệt vào mùa khô. Không có dòng nước bổ cập từ thượng nguồn, con sông gần như trở thành một “kênh nước thải” với dòng chảy chậm, tích tụ chất bẩn và bốc mùi hôi thối.
Từ cuối năm 2024 đến nay, hàng loạt dự án được tập trung tăng tốc thi công trên dòng sông Tô Lịch. Một trong những dự án then chốt đang được TP Hà Nội tăng tốc triển khai là hệ thống bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Dự án này được kỳ vọng sẽ mang đến “mạch sống” mới cho dòng sông, giúp duy trì dòng chảy ổn định quanh năm, hạn chế mùi hôi và cải thiện chất lượng nước.
Trạm bơm chính đặt tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), có công suất 3-5 m3/s. Nước sẽ được dẫn qua tuyến ống D1200 dài hơn 5km đến điểm đầu sông Tô Lịch (cống Hoàng Quốc Việt). Đồng thời, 3 đập dâng sẽ được xây tại Cống Mọc, cầu Dậu và ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu để giữ mực nước ổn định và tạo dòng chảy liên tục.
Tổng mức đầu tư cho hệ thống bổ cập này là 550 tỉ đồng, trích từ ngân sách thành phố. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình trước tháng 9.2025, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Kết nối tổng thể bằng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá
Cùng với việc bổ sung nước sạch, việc ngăn chặn ô nhiễm đầu nguồn là điều kiện tiên quyết để hồi sinh sông Tô Lịch. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá - công suất 270.000 m3/ngày đêm đang được xây dựng để xử lý nước thải từ các quận nội thành, bao gồm nước đổ vào sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Giai đoạn đầu của nhà máy sẽ vận hành từ cuối năm 2024, trong khi hệ thống cống thu gom sẽ hoàn thiện vào giai đoạn 2025-2027. Khi đồng bộ, nhà máy này sẽ giúp chấm dứt tình trạng xả thải trực tiếp ra sông, nâng cao chất lượng nước đầu vào.
Đánh giá về các biện pháp hồi sinh dòng sông Tô Lịch, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, dòng sông muốn “sống” thì phải có dòng chảy. Việc đưa nước từ sông Hồng sẽ giúp tạo dòng chảy tự nhiên, trong khi nhà máy Yên Xá xử lý tận gốc vấn đề nước thải. Sự phối hợp của 2 dự án này sẽ tạo tiền đề để sông Tô Lịch hồi sinh thực sự.
Nạo vét toàn diện, cải thiện dòng chảy
Đồng hành với các dự án nước sạch và xử lý nước thải, công tác nạo vét lòng sông Tô Lịch đang được triển khai khẩn trương từ đầu năm 2025. Việc này nhằm loại bỏ lớp bùn thải, rác tồn đọng và tạo độ sâu phù hợp, giúp nước lưu thông tốt hơn và hạn chế mùi hôi.
Dự kiến toàn bộ khối lượng nạo vét sẽ hoàn thành trong tháng 8.2025, trước khi hệ thống bổ cập nước đi vào vận hành chính thức.
Trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, bùn thải tập trung nhiều ở khu vực từ thượng nguồn đến cầu Lủ và đang được đơn vị xử lý triệt để. Quá trình nạo vét không chỉ khơi thông dòng chảy mà còn là bước chuẩn bị quan trọng cho việc tiếp nhận dòng nước mới từ sông Hồng.
Việc đồng loạt triển khai các dự án bổ cập nước, xử lý nước thải, nạo vét lòng sông và điều tiết mực nước đang tạo nên bước chuyển lớn trong hành trình hồi sinh sông Tô Lịch. Đây không chỉ là giải pháp môi trường, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Hà Nội trong phát triển bền vững và xây dựng đô thị xanh, sạch, đáng sống cho tương lai.