A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lời thề giữ rừng giữa đại ngàn Nà Hầu

Phát sóng chính thức từ ngày 22/3/2025 trên kênh VTV3, chuỗi 60 tập Hành trình kết nối xanh là hành trình khám phá các vùng đất, những con người cùng các câu chuyện xanh. Với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), hành trình đã đến với vùng đất xinh đẹp tựa cổ tích và được lắng nghe những câu chuyện văn hóa rừng đầy độc đáo tại Nà Hẩu, Yên Bái.

Người Mông sống nhờ rừng – và sống để giữ rừng

Nằm sâu giữa rừng già Tây Bắc, Nà Hầu là nơi người Mông chọn gắn bó từ hàng chục năm trước, khi những tộc người khác rời đi vì điều kiện sinh sống khó khăn. Với người Mông, rừng không chỉ là chỗ dựa, mà còn là cách để họ tồn tại, là tài sản lớn nhất mà thiên nhiên ban tặng. Ông Giàng Chần Dìn – một trong những người đầu tiên khai hoang mảnh đất này chia sẻ rằng người Mông chọn ở lại vì biết nhìn thấy tiềm năng của rừng, biết khai thác đất để trồng lúa bậc thang, giữ nước từ những tầng rừng nguyên sinh. Giữ được rừng là giữ được nước, giữ được cái ăn. Còn rừng là còn bản – chú nói.

Lễ hội thiêng liêng dành cho rừng – nơi tôn vinh thiên nhiên và kết nối cộng đồng

Một trong những điểm nhấn đáng nhớ tại Nà Hầu là lễ hội rừng thiêng – một nghi lễ đặc biệt của người Mông vào mùa xuân mỗi năm để tạ ơn rừng, đồng thời là cam kết tập thể về việc bảo vệ thiên nhiên. Sau nghi lễ, rừng thiêng sẽ đóng cửa trong 3 ngày, không ai được chặt cây xanh, không đem lá cây xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, thả rông gia súc. Đây vừa là nghi lễ truyền thống, vừa là ngày hội văn hóa đặc sắc. Lễ hội cúng rừng Nà Hẩu là một dịp để mỗi du khách được sống trong không khí của một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo. Thông điệp về bảo vệ môi trường không chỉ nằm ở khẩu hiệu, mà hiện diện rõ ràng trong từng hành động, tập tục và niềm tin của người dân nơi đây.

Lễ hội mùa xuân tại Nà Hẩu – Yên Bái

Tổ tuần rừng – Khi bảo vệ thiên nhiên trở thành niềm tự hào

Tôn trọng và bảo vệ rừng không chỉ nằm ở tín ngưỡng, mà ở Nà Hẩu tinh thần ấy còn được thể hiện qua những hành động cụ thể và đầy quyết liệt của bà con người Mông. Tại Nà Hẩu, mỗi bản đều có tổ bảo vệ rừng – những nhóm dân bản tự nguyện làm “người gác rừng”. Họ đi tuần đều đặn 1–2 lần mỗi tháng, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác trái phép. Đối với họ, việc giữ rừng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là danh dự và niềm vui cộng đồng. Anh Sính, một thành viên của tổ tuần rừng, chia sẻ rằng làm việc này tự thấy vui và thoải mái lắm, vì mình đang làm điều có ích cho cộng đồng.

Sống xanh từ rừng – phát triển du lịch sinh thái bền vững

Giờ đây, Nà Hẩu đang dần trở thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng với những homestay nằm giữa rừng, mô hình nuôi cá tầm, và những vườn quế, vườn cây dược liệu gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa.

Việc khai thác giá trị kinh tế từ rừng mà không phá rừng là bài học quý giá mà Nà Hẩu chia sẻ cùng Hành trình kết nối xanh – những câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần đoàn kết, hết lòng bảo vệ rừng và phát triển rừng của cộng đồng người Mông nơi đây.

Và hành trình vẫn tiếp tục…

Nà Hẩu chỉ là một trong số 60 điểm đến trong chuỗi Hành trình kết nối xanh – nơi những câu chuyện sống xanh được kể bằng sự chân thành và giản dị nhất. Chương trình phát sóng lúc 15h45 Thứ Bảy & Chủ nhật hàng tuần trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Hãy cùng đồng hành để thấy sống xanh không xa vời – mà bắt đầu từ chính chúng ta.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật