A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày này năm xưa 7/3: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà

Ngày này năm xưa 7/3: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà; Thông báo bổ sung nhằm chuẩn xác lại hạn ngạch tiêu chuẩn khách hàng lớn Hoa Kỳ.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 7/3 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 7/3.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

-Ngày 7/3/1975: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà.

Ngày này năm xưa 7/3: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà

Dự án thủy điện Hòa Bình

Chỉ thị số 62/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan phối hợp với Ban quản lý xây dựng công trình Thủy điện sông Đà tập trung thực hiện các nhiệm vụ: khảo sát thiết kế, thi công, xây dựng, tiền vốn, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, thông tin tuyên truyền, đối ngoại… để phấn đấu khởi công vào năm 1978.

- Ngày 7/3/1996: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 721/1996/QĐ-BCN về việc tổ chức xét thầu Các dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT.

- Ngày 7/3/2005: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án chuyển Tổng công ty Thương mại Sài Gòn sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

- Ngày 7/3/2005: Bộ Thương mại ra thông báo số 0298/TM-DM thông báo bổ sung nhằm chuẩn xác lại hạn ngạch tiêu chuẩn khách hàng lớn Hoa Kỳ.

- Ngày 7-3-2005: Tại Hà Nội, đại diện 4 ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam) và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam ký hợp đồng tài trợ trị giá 126 triệu USD cho Dự án Nhiệt điện Hải Phòng - dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam với tổng công suất 1200MW (gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy 300MW). Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu vực tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với sản lượng điện trung bình hàng năm 7,2 tỷ kWh.Trong những năm qua, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, các tổ máy đã được đưa vào vận hành. Đến nay, Nhà máy đã cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 10 tỷ kWh điện.

-Ngày 7/3/2006: Bộ Thương mại ra Quyết định số 13/2006/QĐ-BTM ban hành Tiêu chí phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006 – 2010.

- Ngày 7/3/1929, tại nhà số 5D Hàm Long, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đông Dương được thành lập ở Hà Nội gồm các đồng chí: Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Tuân, Dương Hạc Đính. Đồng chí Trần Văn Cung (tức Nguyễn Quốc Anh) được cử làm Bí thư chi bộ.

- Ngày 7/3/1954: Bộ đội ta tiến công sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Đêm 7/3/1954, tại sân bay Cát Bi, một đơn vị bộ đội ta gồm 32 người, do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy đã bí mật vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc, đột nhập sân bay, phá hủy 59 máy bay, phần lớn là máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng của địch. Chiến công này đã làm cho quân Pháp thiệt hại nặng nề và gặp khó khăn trong việc tiếp tế ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng đường hàng không.

- Ngày 7/3/2001, Vùng Cảnh sát biển 3 được thành lập, đến ngày 3/10/2014 được nâng cấp thành Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về thực thi pháp luật trên vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và thềm lục địa phía Nam. Với nhiệm vụ được giao trên vùng biển rộng lớn, trải dài địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 luôn kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Ngày 7/3/2009: Tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội), Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội tổ chức khởi công Gói thầu số 3, xây dựng đường dẫn phía Bắc thuộc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu. Dự án cầu Nhật Tân nằm trên đường vành đai II thành phố, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với Quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh). Đây là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất và dài nhất Việt Nam có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Sau 5 năm xây dựng, ngày 4-1-2015, Cầu Nhật Tân chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài mang tên đường Võ Nguyên Giáp.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 7/3/1618: Nhà thiên văn học, nhà toán học người Đức Johannes Kepler khám phá ra những định luật về chuyển động thiên thể.

- Ngày 7/3/1817: Sở giao dịch chứng khoán New York thành lập.

- Ngày 7/3/1916: BMW thành lập tại München, Đức

- Ngày 7/3/1971: Nhà lãnh đạo chính trị Sheikh Mujibur Rahman của Đông Pakistan (nay là Bangladesh) có bài phát biểu có tính lịch sử tại Dhaka.

- Ngày 7/3/1985: Nhạc phẩm "We Are the World" được phát hành trên quy mô quốc tế.

Ngày này năm xưa 7/3: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà

Tàu không gian Kepler. Ảnh: NASA.

- Ngày 7/3/2009: Tàu không gian Kepler được phóng lên vũ trụ.

Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Ngày 7/3/1946: tại Bắc bộ phủ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện của Pháp để bàn việc triển khai bản Hiệp định Sơ bộ vừa ký ngày hôm trước, đặt vấn đề cuộc hội đàm chính thức được tổ chức tại Pari và đến đầu giờ buổi chiều đó đạt được thoả thuận với G.Xanhtơni sẽ cùng ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi nội dung bản hiệp định và nêu rõ: Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định sơ bộ là chấm dứt mọi cuộc xung đột trên lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông báo này được phát đi trên các làn sóng đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Sài Gòn.

16 giờ cùng ngày hôm đó, Bác dự cuộc mít tính lớn của đông đảo nhân dân Hà Nội để giải thích về bản hiệp định vừa ký kết. Sau phát biểu của Võ Nguyên Giáp khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo, mục đích của Chính phủ là hoà bình vì tiến bộ.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật ”. Cuối cùng, vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố: Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước!. Cùng ngày, Bác ký giấy uỷ nhiệm cho các phái viên đặc biệt của Chính phủ vào Nam bộ để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3.

- Ngày 7/3/1947, trong thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây, Bác viết: “Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta đã biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta”.

- Ngày 7/3/1951, tại phiên bế mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác được bầu làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

- Ngày 7/3/1959, tại thủ đô Jakarta, Bác đón nhận từ Tổng thống Indonesia tấm “Huân chương Du kích” với lời đáp từ: “Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng, với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”.

Ngày này năm xưa 7/3: Chuẩn bị xây dựng công trình Thủy điện sông Đà

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bản đồ thủy lợi của huyện Thuận Thành - Bắc Ninh, ngày 16-10-1958. Ảnh: Tư liệu.

“… Phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác Thủy lợi năm 1959, ngày 7/31960.

Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng mang giá trị tư tưởng cao, tính giáo dục lớn, không chỉ bó hẹp ở công tác thủy lợi mà trên mọi mặt công tác nói chung, phải biết lấy dân làm gốc, tin ở dân, gần gũi dân, biết dựa vào dân. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực.

Vận dụng lời dạy của Bác trong quá trình đổi mới hiện nay, Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để vượt qua khó khăn, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển. Những thành tựu đất nước đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng của sức mạnh quần chúng nhân dân. Quá trình đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhân dân tham gia, nhân dân đồng tình hưởng ứng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần lời Bác dạy, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Quân đội ta đã khẳng định đoàn kết quân dân là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của quân đội, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong điều kiện mới. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của quần chúng. Đẩy mạnh tuyên tuyền vận động quần chúng tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật